MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Gia đình phượt thủ" gây bão mạng xã hội nhiều ngày qua. Ảnh: Facebook

Chuyện phía sau "gia đình phượt thủ" 7 người trên một xe máy đi 600km tìm việc làm

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 03/03/2024 09:26

Mấy ngày vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện hình ảnh "gia đình phượt thủ" - một người đàn ông trung niên đi xe máy chở theo vợ và 5 đứa con rong ruổi tìm kiếm việc làm - khiến nhiều người xót xa.

Đi hàng trăm km đi tìm việc

Những hình ảnh về "gia đình phượt thủ" - 7 người trên một chiếc xe máy đi tìm việc bắt đầu xuất hiện trên mạng xã hội Facebook khoảng từ ngày 27-28.2. Sau đó, hình ảnh được các trang mạng và người dùng Facebook chia sẻ với tốc độ nhanh chóng.

Theo những thông tin được chia sẻ, người đàn ông trong ảnh tên là Tủa, ở huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Tủa chở cả gia đình từ Điện Biên lên cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) để tìm kiếm việc làm.

Để chở hết 7 người trên 1 chiếc xe máy, anh Tủa đã phải lắp thêm giá đỡ hai bên xe và đặt con ngồi lọt thỏm trong chiếc rổ nhựa cùng tất cả chăn màn, quần áo và các loại đồ gia dụng tối thiểu của một gia đình.

7 người trên 1 chiếc xe máy. Ảnh: Facebook

Khi không tìm được việc làm tại cửa khẩu Tân Thanh, dù là công việc phổ thông nhất thư bốc vác, anh Tủa tiếp tục hành trình đưa cả gia đình đến Cao Bằng.

Trên đường đi, gia đình này đã nhận được nhiều sự quan tâm, chia sẻ của mọi người.

Sau đó, anh Tủa và vợ con được một nhóm thiện nguyện đưa về Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) - một trung tâm nuôi dạy trẻ mồ côi ngoài công lập.

Một nhóm thiện nguyện đã giúp đỡ chở gia đình anh Tủa về Trung tâm Hy vọng Lạng Sơn (huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn). Ảnh: Facebook

Câu chuyện kỳ lạ về gia đình anh Tủa đã tạm lắng xuống khi được giúp đỡ, tuy nhiên, không ít người vẫn đặt câu hỏi, trước đó tại Điện Biên, gia đình anh Tủa có hoàn cảnh như thế nào? Tại sao phải rời Điện Biên để vượt hàng trăm kilomet đi tìm việc và việc học hành của những đứa trẻ ra sao?

Gia đình "phượt thủ" đã nhiều lần di cư

Chiều 2.3, trao đổi với PV, ông Tạ Văn Sơn - Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) - điểm đầu xuất phát của gia đình anh Tủa - cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin liên quan đến công dân trên địa bàn, UBND huyện Mường Nhé đã đề nghị công an tiến hành xác minh.

Hành trình đi tìm việc làm của “gia đình phượt thủ“. Ảnh: Facebook

Kết quả cho thấy, những hình ảnh được chia sẻ kèm thông tin nói trên được xác định là của gia đình anh Sùng Pó Tủa (SN 1985) gồm vợ chồng anh Tủa và 5 người con mới nhập hộ khẩu vào huyện Mường Nhé từ cuối năm 2023.

"Anh Sùng Pó Tủa vốn quê ở xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La và mới nhập khẩu về bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, huyện Mường Nhé được vài tháng" - Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho hay.

Cùng ngày, ông Trần Quyết Thắng - Bí thư Đảng ủy xã Leng Su Sìn cho biết, tháng 10.2022, anh Sùng Pó Tủa cùng vợ, con đến xã Leng Su Sìn và đề nghị đăng ký thường trú.

Đến cuối tháng 11.2023, anh Tủa mua được ngôi nhà tại bản Suối Voi, xã Leng Su Sìn, sau đó được nhập hộ khẩu cả gia đình, được làm định danh điện tử và được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện để ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Tủa di chuyển trong thời tiết lạnh giá khiến nhiều người thương cảm. Ảnh: Facebook

"Từ khi gia đình anh Tủa về địa phương, chính quyền xã cũng đã nhiều lần giới thiệu việc làm, mời dự hội thảo tiếp cận các cơ hội đi làm công nhân tại nhiều công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, anh Tủa vẫn quyết định ở nhà cùng vợ con làm nương rẫy" - ông Thắng cho hay.

Liên quan đến thông tin những người con của anh Tủa chưa bao giờ được đến trường, ông Phạm Thiết Chùy - Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Nhé cho biết, tháng 11.2023, anh Tủa có đến Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Leng Su Sìn (ngay gần nhà anh Tủa) xin cho con vào học.

Tuy nhiên, khi đó gia đình anh Tủa chưa có hộ khẩu tại xã, các con anh cũng không có giấy khai sinh và học bạ.

"Nhà trường đã hướng dẫn gia đình anh Tủa về quê lấy giấy khai sinh và học bạ lên để nhập học cho các cháu nhưng anh Tủa nói rằng các con chưa đi học bao giờ vì trước nay toàn theo bố mẹ đi làm ăn ở khắp nơi. Sau đó, anh hẹn Tết sẽ về xin giấy khai sinh cho con" - ông Chùy cho hay.

Cũng theo Trưởng phòng GDĐT huyện Mường Nhé, trong khi các con anh Tủa chưa đủ điều kiện nhập học, nhà trường cũng tạo điều kiện bố trí lớp cho các cháu học tạm. Tuy nhiên, gia đình anh Tủa chưa cho con đi học mà hằng ngày vẫn đem theo con đi làm nương.

"Nhà trường đã nhiều lần cử giáo viên đến nhà vận động nhưng đều không gặp vợ chồng anh Tủa ở nhà. Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa cho con đi học do chưa có mặt tại địa phương" - ông Phạm Thiết Chùy cho biết thêm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn