MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đơn vị thi công đang khẩn trương khoan từ trên núi, đổ bêtông vào trong để vá các vị trí sạt lở ở hầm đường sắt Bãi Gió. Ảnh: Hữu Long

Chuyển tải hàng hóa khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió

Hữu Long - Hoài Luân LDO | 17/04/2024 09:32

Trong thời gian chờ đợi nối lại tuyến Bắc-Nam, ngành đường sắt đã tạm ngừng nhận hàng hóa đồng thời vận chuyển những kiện hàng tồn đọng ở đầu các tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Hàng hóa giao kịp thời, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

Ngày 16.4, Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang xác nhận ngành đường sắt đã tạm ngưng nhận hàng hóa tuyến TP Hồ Chí Minh - Hà Nội để đợi khắc phục sự cố sạt lở hầm đường sắt Bãi Gió (vị trí giáp ranh 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên).

Ông Trần Việt Tùng - Giám đốc Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang - cho biết, tại một số ga hiện còn tồn đọng các container hàng hóa. Đến nay, ngành đường sắt đã phân loại từng loại hàng khô, hàng lạnh… để có kế hoạch vận chuyển linh động, đảm bảo an toàn. Cụ thể, tại ga Hòa Huỳnh (thị xã Ninh Hòa), ngành đường sắt đang di chuyển các container từ tàu hỏa sang xe tải để kịp giao cho khách hàng.

Hiện tàu hàng từ phía Nam ra, đang dừng ở các ga Ninh Hòa, Hòa Huỳnh, Tu Bông (Khánh Hòa); các tàu hàng từ phía Bắc vào đang dừng ở các ga Hòa Đa (Phú Yên), Bồng Sơn, Diêu Trì (Bình Định). Chi nhánh Vận tải đường sắt Nha Trang huy động thêm xe tải vận chuyển những container chứa hàng hóa dễ hư hỏng. Đối với các container đông lạnh, đơn vị vận tải đường sắt đã bốc dỡ từ ga Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) để vận chuyển bằng đường bộ cho khách hàng.

Ông Trần Việt Tùng cho biết thêm, toàn bộ chi phí vận chuyển hàng hóa nói trên đều do ngành đường sắt sẽ chi trả, chủ hàng không chịu thêm chi phí.

Song song với việc điều phối hàng hóa, ngành đường sắt cũng tập trung mọi nguồn lực để khắc phục sự cố sạt lở tại khu vực hầm Bãi Gió. Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết đơn vị đang triển khai nhiều mũi thi công khắc phục sự cố sạt lở trong hầm Bãi Gió. Trong 2 ngày 15 và 16.4, đơn vị tư vấn đã khảo sát sườn núi đèo Cả.

Sau đó, đơn vị này huy động nhân lực, vật lực tổ chức khoan 2 mũi thẳng từ trên núi xuống vòm hầm. Từ các lỗ đã khoan, công nhân sẽ phun bêtông xuống để gia cố vỏ hầm Bãi Gió. Ngoài ra, công nhân cũng tổ chức gia cố thép bên trong để tăng sức chịu lực cho vòm hầm.

Ngành đường sắt hy vọng, với sự vào cuộc đồng loạt của hàng trăm nhân sự, lực lượng chức năng sẽ thông tuyến đường sắt Bắc - Nam trong 72 giờ tới.

Cái khó của ngành đường sắt là hạ tầng cũ từ thời Pháp

Trong thời gian chờ đợi thông hầm đường sắt Bãi Gió, Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn tổ chức khai thác đón khách di chuyển tàu lửa tuyến Bắc-Nam bình thường.

Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, ngành đường sắt buộc phải thực hiện chuyển tải hành khách ở hai đầu của tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Trung bình hằng ngày, ngành đường sắt sẽ chuyển tải khoảng 3.000 hành khách. Phạm vi chuyển tải khoảng 50km, thời gian chuyển tải tương đương với thời gian chạy tàu từ ga Giã (Khánh Hòa) và ga Tuy Hòa (Phú Yên).

Để thuận lợi trong quá trình công nhân khoan núi, vá bêtông từ trên sườn Đèo Cả xuống hầm Bãi Gió, Cục CSGT, công an 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa đã phối hợp trong tổ chức phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công và chuyển tải hành khách.

Qua sự việc lần này, dư luận cũng bày tỏ lo lắng liên quan đến việc duy tu, bảo dưỡng một số vị trí trên toàn bộ hệ thống đường sắt Việt Nam. Đặc biệt tại những vị trí độc đạo như hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân. Chỉ cần xuất hiện rủi ro về thiên tai hoặc sự cố ở vị trí này sẽ khiến việc vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường sắt bị đứt gãy.

Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh Lê Quang Vinh thông tin thêm tại vị trí hầm Bãi Gió, trong nhiều năm nay ngành đường sắt thường xuyên thi công dự án gia cố.

Tuy nhiên, khu vực hầm Bãi Gió nói riêng và một số vị trí khác nói chung đều đã có thời gian sử dụng rất lâu (thời Pháp). Trong thời gian đến, Công ty Đường sắt Việt Nam sẽ sớm được đầu tư nâng cấp những vị trí xung yếu để đảm bảo an toàn đường sắt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn