MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những cây dược liệu quý đang góp phần thay đổi cuộc sống của đồng bào người Dao tại xã Nặm Đăm (Quản Bạ, Hà Giang).

Chuyện trồng cây dược liệu của bản người Dao trên cao nguyên đá

Nguyễn Tùng LDO | 17/02/2023 09:12
Việc trồng, chế biến cây dược liệu tại các huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang đang từng bước giúp đồng bào chuyển đổi cây trồng, giảm nghèo hiệu quả và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý.

Từ những năm 2012, ông Lý Thà Tủng (thôn Nặm Đăm, xã Nặm Đăm, huyện Quản Bạ) đã bắt đầu trồng dược liệu thay thế cho cây ngô, cây lúa. Ban đầu chỉ là những cây mang tính chất thử nghiệm như đương quy, atiso và đã cho hiệu quả thấy rõ.

"Người Dao mình trước đây chỉ biết trồng lúa, ngô thôi nhưng từ ngày làm dược liệu này, thu nhập gấp 2 đến 3 lần. Gần chục năm nay, trồng cây dược liệu này thì kinh tế gia đình khá hơn rồi, có tiền mua sắm đồ đạc trong nhà” - ông Tủng chia sẻ.

Sau vài vụ đầu tiên cho thu nhập tốt, từ 360m2 lúc đầu, đến nay gần như toàn bộ diện tích đất trồng cây của gia đình ông Tủng đã được chuyển sang trồng dược liệu. Thu nhập trung bình mỗi năm đạt hơn 100 triệu đồng.

Để cây dược liệu mang lại giá trị cao và ổn định, Hợp tác xã (HTX) Cộng đồng Nặm Đăm đã ra đời và được quản lý, vận hành bởi chính những người Dao ngay tại thôn Nặm Đăm. HTX định hướng đồng bào trồng cây gì theo nhu cầu thị trường, sau đó sẽ thu mua, chế biến.

Cây dược liệu vươn mình trên đất cằn cao nguyên đá Hà Giang. 

Anh Lý Tà Rèn - Giám đốc HTX Cộng đồng Nặm Đăm - cho biết, cây dược liệu cho giá trị cao hơn các loại cây truyền thống nhưng lại khó trồng. Ban đầu, người dân trồng tự phát, không có kỹ thuật nên hiệu quả trên mỗi ha chưa được như dự tính.

Anh Lý Tà Rèn hồ hởi chia sẻ tiếp: "HTX được thành lập từ năm 2009 nhưng phải đến cuối năm 2014 mới bắt đầu hoạt động vì thiếu vốn, các xã viên cũng rút dần. Đến năm 2015 mới có lãi, bà con vào HTX sẽ được tập huấn kỹ thuật để trồng dược liệu".

Cũng theo vị giám đốc người Dao này, hiện nay, trung bình mỗi tháng, mỗi xã viên được trả lương từ 3-4 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi người vào cuối năm còn được trả khoản tiền khác lớn hơn từ số cổ phần góp vốn khi tham gia vào hợp tác xã.

Không chỉ tập trung khai thác cây dược liệu, người Dao ở Nặm Đăm còn cùng nhau bảo tồn nguồn gene cây thuốc quý của dân tộc mình. Đó cũng là một cách đồng bào tri ân và giữ lại những cây thuốc quý cho đời sau.

Hiện tại, HTX Cộng đồng thôn Nậm Đăm đã có vườn ươm cây dược liệu rộng 3.000m2, lưu giữ hơn 100 loài cây dược liệu, số lượng loài đang tiếp tục được bổ sung và tiến hành nhân giống, như: Bình vôi, đương quy đỏ, kim ngân, atiso.

Từ khi triển khai dự án “Bảo tồn nguồn gene cây thuốc quý của người Dao” của HTX đã khắc phục tình trạng tuyệt chủng của một số cây dược liệu trong tự nhiên do nạn khai thác triệt để, thu mua hàng loạt với khối lượng lớn, liên tục trong nhiều năm trước đây.

Bảo tồn nguồn gen dược liệu quý được người Dao ở Quản Bạ quan tâm, gìn giữ cho đời sau. 

Những năm gần đây, thu nhập của đồng bào Dao ở Nặm Đăm đã tăng thêm nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Khách đến với thôn đều không thể bỏ qua dịch vụ “tắm thuốc người Dao” để thư giãn và phục hồi sức khỏe sau chặng đường trải nghiệm trên cao nguyên đá.

Theo ông Phạm Ngọc Pha - Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, cây dược liệu đã trở thành một cây chủ lực trong phát triển kinh tế xã hội và xoá đói giảm nghèo của địa phương. Để phát triển ổn định và bền vững huyện đã có những đề án cụ thể.

Ông Pha thông tin: "Trước hết, với một giống dược liệu mới phải đưa vào khảo nghiệm, đánh giá, xác định phù hợp mới trồng diện rộng. Sau nữa là khuyến khích các doanh nghiệp tham giá đầu tư để hình thành chuỗi giá trị cao. Hiện nay, các sản phẩm dược liệu tại Quản Bạ được cung cấp ra thị trường cơ bản đều đã có tem, nhãn mác và chất lượng ổn định".

Được biết, cây dược liệu hiện đã có mặt tại 6 huyện 30a của tỉnh Hà Giang, diện tích hơn 8.000ha đã góp phần quan trọng trong công tác xoá đói giảm nghèo và bảo tồn nguồn gene dược liệu quý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn