MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Ngọc ở một mình ở bản "ma" suốt 10 năm qua. Ảnh: Minh Nguyễn

Chuyện về người phụ nữ sống một mình ở bản "ma"

Minh Nguyễn LDO | 25/03/2023 10:21
Chục năm nay, tại bản "ma", xã Bao La, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chỉ có duy nhất 1 người phụ nữ là bà Nguyễn Thị Ngọc ở lại.

Bản “ma” là cái tên mà dân du lịch đặt tên cho khu ở của bà con người Thái ở xã Bao La từng sinh sống. Cách đây mấy chục năm, người Thái ở bản Phùng, xã Bao La lên đây dựng nhà làm nương, làm rẫy. Nó tựa như cơ sở hai để làm kinh tế. Sau khi mọi người di dời, cả bản chỉ còn duy nhất bà Nguyễn Thị Ngọc (70 tuổi) ở lại.

Ở một mình suốt 10 năm 

Giữa thảo nguyên rộng bao la, cả trăm ngôi nhà gỗ thâm nâu bị bỏ hoang, nằm trơ gan cùng tuế nguyệt. Bốn bề hoa cỏ tươi tốt, chỉ thiếu vắng sự sống của con người. Lần đầu vào nơi này, ai cũng có cảm giác, vùng đất này bị bỏ hoang từ thời tiền sử vậy. Không một màn khói bếp ở vùng đất trù phú càng khiến cho khung cảnh nơi này thêm phần hiu quạnh.   

Bà Ngọc sống một mình ở bản “ma”. Ảnh: Minh Nguyễn

Đi sâu vào trong bản “ma”, chúng tôi bỗng phát hiện ra một chú mèo nhỏ. Nó chạy vào ngôi nhà gỗ không khoá ở giữa bản. Lúc này, bà Ngọc vừa đi nương về, quần áo lấm lem bùn đất.

Bà Ngọc chạy vội ra sau nhà chuyển mấy mẹt măng khô phơi từ trưa cất vào nhà. Cơn mưa đến quá nhanh khiến mấy mẹt măng ướt đẫm. Xếp chúng gọn gàng bên hiên, bà vội đưa vài bó củi vào bếp. Căn bếp siêu vẹo, bốn bề thông thốc gió lùa. Phên và vách bếp được gác tạm bằng mấy miếng gỗ sơ sài.

Căn nhà gỗ thâm nâu, lụp xụp. Nom nó quá nhỏ bé bên dãy núi giăng màn. Mưa thét, gió gào, từng làn nước hất đầy vào ngôi nhà nhỏ của bà Ngọc. Dường như đã quen với sự tàn phá khốc liệt của thiên nhiên nơi đây, bà Ngọc bình thản kê xếp lại đám đồ trong nhà cho khỏi ướt.

Sống có một mình nhưng các thùng đồ trong nhà của bà vô cùng nhiều. Chúng được xếp ngăn nắp dọc căn nhà. Ở phía giữa bà để một lối đi nhỏ. Cạnh đó, chiếc giường đơn cũng chất đầy đồ xung quanh.

Bà Ngọc sống một thân, một mình, nhưng mọi đồ đạc cần thiết cho con người đều có đủ. Từ mắm, muối, tương cà đến gạo nước, quần áo… tất cả những thứ đó được bà sắp xếp gọn gàng.

Ngôi nhà gỗ đã xuống cấp của bà Ngọc.

Cơn mưa chiều đã ngớt cung là lúc bà Ngọc đã sắp xếp xong mọi thứ. Sống lầm lũi một mình một bản, nhưng bà thản nhiên đón nhận. Bà cũng không hề có tâm lý e sợ mà cảm thấy rất an vui khi ở nơi này. Lâu lắm rồi bà mới gặp một đoàn khách đến thăm. Bà mời khách ngồi chơi bên hiên.

Bà Ngọc có dáng người mảnh khảnh. Mái tóc đã điểm bạc. Bà không mặc trang phục của người Thái mà mặc như người dưới xuôi. Năm nay bà ngoài 70 tuổi, nhưng còn khỏe mạnh. Ngày ngày bà đi nương, làm ngô, làm lúa, trồng rau để lo cho cuộc sống của mình.

Bà Ngọc nói tiếng phổ thông rất trôi chảy. Bà không hề e ngại khi có khách lạ đến bản. Bởi lẽ suốt 10 năm qua, cả cái bản “ma” này chỉ có mình bà sinh sống.

“Nơi này vắng vẻ, nhưng đất đai màu mỡ. Mình chỉ cần chịu khó lao động là có đủ cái ăn. Tôi còn nuôi một con mèo, vài con gà. Có chúng, tôi cũng đỡ buồn”, bà Ngọc chia sẻ.

Làm con nuôi của người Thái

Qua câu chuyện của bà Ngọc, tôi được biết, trước đây, vợ chồng bà cùng ở nơi này. Đôi vợ chồng già sống vui êm đềm cùng núi rừng. Cách đây hơn 1 năm, chồng bà mất. Bà cũng ở vậy hương khói cho chồng. Chồng bà cũng là một người Kinh lưu lạc tới đất này như một cái duyên định mệnh.  

Bản “ma” đã bị bỏ hoang từ chục năm nay. Ở bản chỉ có duy nhất mình bà Ngọc ở. Ảnh: Minh Nguyễn

Nói về cuộc đời đầy gian nan, bà Ngọc lại ngậm ngùi. Quê bà ở vùng Mỹ Đức (Hà Nội). Ngày trước đói kém liên miên, nên các cụ đã cho bà đi làm con nuôi người Thái ở mạn ngược. Bà được một gia đình người Thái ở bản Pùng, xã Bao La đón nhận. Khi đó bà tầm 10 tuổi. Từ cô gái vùng đồng bằng, bỗng chốc bà thành sơn nữ vùng cao.

Bà Ngọc cũng có con trai sống ở trung tâm xã Bao La. Con cái muốn đón bà về ở cùng cho sum vầy, nhưng bà lại thích ở lại bản "ma" hơn. 

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Hà Quang Thuần - Chủ tịch UBND xã Bao La, cho biết: "Nhiều lần xã đã lên vận động bà Ngọc xuống ở cùng con cháu, nhưng bà không về. Bà Ngọc chưa nhập hộ khẩu ở xã, nên xã cũng không thể can thiệp sâu được. Hàng năm, các đoàn thể cũng có lên hỏi thăm và động viên bà Ngọc". 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn