MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chuyện về những người "giúp việc cho người đã khuất" ở nghĩa trang

Phạm Đông - Huyền Chang LDO | 26/09/2020 20:32

Bên trong nghĩa trang lạnh lẽo, hàng ngàn ngôi mộ vẫn được những bàn tay chăm chỉ của nhiều phụ nữ lau dọn, chăm sóc hàng ngày. Họ gắn bó với nghề lau mộ thuê nhiều năm nay và trở thành nghề mưu sinh.

Công viên nghĩa trang L.H.V (Kỳ Sơn, Hòa Bình) được khởi công xây dựng vào năm 2009, có diện tích khoảng 165ha. Nơi đây được xây dựng theo mô hình công viên nghĩa trang, với sự kết hợp của các công trình đề, chùa, sông, cây xanh trong nghĩa trang.

Đều đặn trong 7 năm qua, bà Hoàng Thị Huyền (xã Mông Hóa, huyện Kỳ Sơn) đều rời nhà từ sớm bằng xe đạp, đến nghĩa trang. Bà bắt đầu công việc tưới cây, cắt tỉa hoa, cỏ lúc 7h, sau đó lau chùi cho từng phần mộ. Bà được phân công dọn dẹp phần mộ gia đình.

Nghĩa trang có hàng ngàn ngôi mộ được dọn dẹp thường xuyên. Ảnh: Huyền Chang

Với bà Huyền, việc dọn dẹp như công việc của một người giúp việc gia đình, chỉ khác là giúp việc cho người đã mất. Bà xem việc chăm sóc các ngôi mộ của khách hàng như chăm sóc cho chính phần mộ của người thân trong gia đình, không thể làm ẩu.

“Có những gia đình họ bận không đến chăm sóc phần mộ gia tiên thường xuyên, hoặc những việt kiều ở xa có một hai năm mới về, nhờ mình chăm sóc giúp. Các phần mộ được chăm sóc sạch đẹp bản thân mình cũng thấy vui, gia đình của họ ở xa cũng yên tâm”, bà Huyền nói.

Mới đầu vào làm, bà Huyền chỉ làm theo công việc được giao, sau dần việc chăm sóc các phần mộ khiến lòng bà thanh thản hơn, thậm chí bà thấy khỏe và vui vẻ hơn.

Bà Huyền có 7 năm làm công việc chăm sóc các phần mộ. Ảnh: Huyền Chang

Theo bà Huyền vào ngày thường có khoảng 100 nhân viên phụ trách chăm sóc lau chùi phần mộ. Mọi người được sắp xếp phụ trách những phần mộ khách nhau như phần mộ đơn, mộ đôi, mộ gia đình. Công việc được quay vòng từng ngày, hôm nay dọn dẹp phần mộ này, ngày mai sẽ chuyển qua phần mộ khác. Mọi người luân phiên nhau người cắt tỉa, lau chùi bia mộ.

Vào ngày lễ tết, số lượng người dọn dẹp đông hơn, công việc cũng nhiều hơn, tùy vào việc các gia đình yêu cầu mà mọi người thắp hương, chuẩn bị lễ cúng, khấn bái hộ khách hàng.

“Ở đây có những phần mộ một, hai năm không có người thân đến thăm, chăm sóc vì điều kiện ở xa không về được. Mình nhổ cỏ, tưới nước, lau chùi hằng ngày, lâu dần có tình cảm. Nhớ luôn cả ngày giỗ của họ”, bà Huyền nói.

Bảy năm làm việc tại khu nghĩa trang, mỗi phần mộ là một câu chuyện, có mộ của những người nổi tiếng, các nghệ sĩ mà bà Huyền thường chỉ thấy xuất hiện trên phim cũng được an táng về đây.

Tương tự, chị Bùi Thị Thêm (35 tuổi TP Hòa Bình) mới có 3 năm phụ trách công việc dọn dẹp mộ tại nghĩa trang L.H.V. Mới đầu khi chưa vào làm, nghe công việc dọn mộ cho người đã khuất chị thấy sợ, thậm chí nghĩ đi xin việc khác mà làm.

Mỗi ngày, chị Thêm dọn dẹp cho hàng chục ngôi mộ đơn. Ảnh: Huyền Chang

“Công viên nghĩa trang này có đến cả nghìn ngôi mộ, mỗi ngày phải sắp xếp, dọn dẹp, thắp hương cho mấy chục phần mộ, chẳng khác gì tiếp xúc với mấy chục người chết, mới đầu nghe mình hãi lắm”, chị Thêm tâm sự.

Chồng làm nhân viên bảo vệ nghĩa trang, qua vài lần đến thăm, tiếp xúc với mọi người làm việc tại đây, dần chị Thêm không còn sợ, thậm chí trở nên yêu thích công việc của mình.

Công việc chính của chị Thêm là lau chùi, cắt tỉa cây hoa trong khuôn viên từng phần mộ đơn. Trung bình mỗi ngày chị dọn dẹp cho từ 15 đến 20 ngôi mộ. Mùa đông, trời lạnh, chị bắt đầu từ 8h, mùa hè nắng sớm hơn thì 7h vào làm. Ngày nắng chị tưới cây, ngày mưa đi nhổ cỏ, cắt tỉa, cuối tuần thì lau bia mộ, mỗi tháng chị được trả 7 triệu đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn