MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Đước. Ảnh: K.Q

Chuyện về nữ liệt sĩ xác thân còn mãi với thời gian

Nguyễn Phấn Đấu LDO | 27/07/2020 06:36

Nữ liệt sĩ ấy hi sinh khi còn khá trẻ, được chôn cất tạm trong điều kiện khó khăn thời chiến. Gần 30 năm sau, mộ chị được bốc đưa hài cốt vào nghĩa trang, nhưng thi hài vẫn còn nguyên. Nhiều năm sau nữa, chị lại được cải táng, nhưng thi hài vẫn như chị đang ngủ…

Trong Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Đước, tỉnh Long An có khoảng 2.000 ngôi mộ liệt sĩ. Như bao nghĩa trang khác, mộ liệt sĩ nơi đây được thiết kế nhỏ nhắn, kích thước khoảng 40cm x 80cm, bên dưới là bộ hài cốt liệt sĩ được gói gọn trong tấm ny lon, đặt trong chiếc quách nhỏ bằng sành.

Ông Nguyễn Văn Đông – nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Cần Đước – cho biết, do Cần Đước và vùng đất ngập nước, bị mặn xâm nhập, nên thi hài người quá cố bị phân hủy rất nhanh ở dưới mộ. Ông Đông có người em ruột là liệt sĩ hi sinh năm 1978 trong chiến tranh biên giới Tây Nam, nhưng chỉ hơn 10 năm sau, hài cốt khi khai quật chỉ còn lại mảnh xương sọ và ít tóc.

Mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám trong Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Cần Đước. Ảnh; K.Q

Ông Đông nhớ lại, vào đầu thập niên 1990, khi huyện Cần Đước xây dựng Nghĩa trang Liệt sĩ như ngày nay, chính quyền địa phương ra sức quy tập hầu hết mộ liệt sĩ được chôn cất ở các nơi về nghĩa trang huyện.

Ngôi mộ của liệt sĩ Phạm Thị Tám (ấp Xóm Chùa, xã Tân Lân, hi sinh năm 1966) cũng được quy tập dịp ấy. Chị Tám hi sinh khi mới 25 tuổi, lúc đang đi giao liên, bị đối phương phục kích bắn chết.

Bà con chôn tạm nữ liệt sĩ trên ruộng ngập nước ở quê nhà của chị. Khi khai quật mộ, thi hài người nữ liệt sĩ còn gần như nguyên vẹn trong lớp vải dù đã mục nát, mái tóc dài của chị vẫn còn suôn mượt.

Theo kinh nghiệm, những người khai quật mộ đã để thi hài ngoài nắng gió một thời gian cho phần thịt tan chảy hết, rồi lấy xương cốt cải táng vào ngôi mộ đã để sẵn trong nghĩa trang. Thế nhưng, dù để suốt 1 ngày ngoài không khí, thi hài người liệt sĩ vẫn còn nguyên vẹn.

Không thể cải táng vào nghĩa trang (vì mộ liệt sĩ trong nghĩa trang được thiết kế nhỏ vừa cho bộ hài cốt, không vừa để chôn cất thi hài), chính quyền huyện Cần Đước quyết định chôn tạm thi hài chị Tám ở rìa nghĩa trang, sau này sẽ cải táng đưa vào nghĩa trang.

Khoảng 5 năm sau, ngành Thương binh – Liệt sĩ huyện Cần Đước lại khai quật mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám để cải táng vào nghĩa trang. Thế nhưng, lần này thi hài người nữ liệt sĩ lại vẫn nguyên vẹn khi được đưa lên từ dưới mộ. Lãnh đạo huyện Cần Đước đã hội ý nhanh và đưa đến 1 quyết định ngoại lệ: Chôn cất người nữ liệt sĩ trong nghĩa trang theo cách bình thường với quan tài và xây ngôi mộ theo kích thước thường có của người dân địa phương.

Vậy là, giữa hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ trắng toát, nhỏ nhắn trong nghĩa trang, có 1 ngôi mộ bề thế ốp đá màu vàng theo cách truyền thống của người dân địa phương. Về sau, khi các Mẹ Việt Nam Anh hùng qua đời, thi hài cũng được chôn cất trong Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, cũng làm mộ giống như mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám, nhưng ốp đá màu xám.

Mỗi khi có dịp vào viếng Nghĩa trang Liệt sĩ huyện, cán bộ, người dân địa phương hay đến thắp nhang khu vực mộ các Mẹ Việt Nam Anh hùng và mộ liệt sĩ Phạm Thị Tám, nữ liệt sĩ thi hài không tan biến theo thời gian!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn