MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
“Cò mồi” trước cổng một bệnh viện trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TPHCM). Ảnh: Thanh Chân

“Cò” bệnh viện lại hoành hành

ANH NHÀN - THANH CHÂN LDO | 17/03/2021 11:09

“Cò mồi” lại hoành hành khiến một số bệnh viện tại TPHCM phải dán biển thông báo ngay trước cổng, cảnh báo người đi khám bệnh để tránh “sập bẫy”. Hiện tượng này tuy không mới nhưng đã không được giải quyết triệt để, khiến nhiều người bệnh vẫn bị lừa.

“Cò mồi” giăng bẫy trước cổng bệnh viện

Trong vai một bệnh nhân đang cần khám mắt, chúng tôi tìm đến cổng Bệnh viện Mắt TPHCM (đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3) vào chiều 16.3. Chưa kịp bước vào cổng, một người đàn ông ngồi trên xe máy ngay trước cổng đã đon đả hỏi chúng tôi muốn khám bệnh gì. Sau khi biết được chúng tôi muốn đo độ cận thị và cắt kính, người này liền giới thiệu sẽ chở chúng tôi đến Khoa khám mắt của bệnh viện này và chỉ lấy 10.000 đồng tiền xe ôm.

Đồng ý lên xe, chúng tôi được chở tới một tiệm mắt kính trên đường Điện Biên Phủ (cách đó chỉ tầm 100m). Nơi đây không phải Khoa khám mắt như người đàn ông này giới thiệu mà là một tiệm chuyên đo kính mắt. Xe vừa tới nơi, nhân viên của tiệm đã giới thiệu: “Cửa hàng của em do các bác sĩ của Bệnh viện Mắt mở ra. Khám ở đây yên tâm về chất lượng, đỡ phải xếp hàng bốc số”.

Trường hợp của chúng tôi không phải là cá biệt, thực tế đã có rất nhiều người gặp phiền phức khi tin lời của các “cò mồi”. Chị Đ.C.T (24 tuổi, quê tỉnh Tiền Giang) đặt lịch khám với Bệnh viện Da liễu TPHCM vào sáng 15.3. Vì chưa quen đường, T. đi lạc đến cổng sau của Bệnh viện Mắt (cách Bệnh viện Da liễu tầm 300m). Thấy T. “lạ nước lạ cái”, một người đàn ông chủ động đến bắt chuyện. Biết được cô gái này đến Bệnh viện Da liễu để khám môi, người này bảo rằng Bệnh viện Da liễu đã sáp nhập vào Bệnh viện Mắt và giới thiệu T đến phòng khám do bác sĩ da liễu trực tiếp thăm khám để đỡ phải chờ đợi.

Tin lời, T theo người đàn ông đến một phòng khám cách Bệnh viện Mắt không xa. Vì biến chứng môi của T cần phải thực hiện phẫu thuật khó nên phòng khám này từ chối tiếp nhận. Sau đó, nhận cuộc gọi tư vấn từ nhân viên Bệnh viện Da liễu TPHCM, T mới "tá hoả" biết mình vừa bị lừa.

“Tôi mất cả buổi sáng vì tin lời những người “cò mồi”. Vì bệnh tôi nặng nên người ta không thăm khám. Nếu chỉ là những ca bệnh nhẹ, có thể họ sẽ “vẽ bệnh” kiếm tiền hoặc bán thuốc với giá cao. Đây là bài học cảnh giác cho tôi” - T chia sẻ.

Các bệnh viện quyết liệt đối phó, nhưng chưa đủ!
Tấm bảng với nội dung: “Không nghe lời cò mồi dụ dỗ, lừa gạt” được đặt xung quanh một bệnh viện tại quận 3, (TPHCM) để cảnh báo người dân. Ảnh: Thanh Chân

Một nhân viên Bệnh viện Da liễu cho hay, có rất nhiều người khi đi khám tới trước cổng bệnh viện bị dụ dỗ. Lợi dụng những người chưa biết rõ đường sá, nhẹ dạ cả tin, "cò mồi" thường giới thiệu là người của bệnh viện, hoặc quen biết các bác sĩ trong bệnh viện để dẫn dắt người bệnh tới các phòng khám. Vì vậy, cả cổng trước và cổng sau của Bệnh viện Da liễu đều dán tấm bảng với nội dung: “Kính mời bà con vào trong bệnh viện khám chữa bệnh, không cần giấy giới thiệu. Không nghe lời cò mồi dụ dỗ, lừa gạt trước cổng bệnh viện”.

Tình trạng “cò mồi” không chỉ xuất hiện ở Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Da liễu, mà hầu hết ở trước các bệnh viện lớn trên địa bàn TPHCM đều xuất hiện “cò mồi” dụ dỗ những bệnh nhân, người nhà bệnh nhân từ các tỉnh thành khác đến.

Trao đổi với phóng viên Lao Động, TS-BS Diệp Bảo Tuấn (Phó Giám đốc Bệnh viện Ung Bướu TPHCM) cho biết, tình trạng "cò mồi" bệnh viện đến nay vẫn còn xuất hiện dù đơn vị đã tổ chức nhiều hoạt động ngăn chặn việc lôi kéo người bệnh đến khám chữa bệnh tại các phòng khám tư nhân bên ngoài.

"Giống với nhiều cơ sở y tế khác trên địa bàn TPHCM, đơn vị chúng tôi vẫn thường xuất hiện hiện tượng "cò" bệnh viện. Phần đông người dân đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM thăm khám là ở các tỉnh nên người dân đến đây từ rạng sáng. Đây cũng là thời điểm "cò mồi" túc trực trước cổng và chèo kéo người dân đến các phòng khám lân cận. Để ngăn chặn tình trạng này, trong khoảng 5 năm trở lại đây, bệnh viện đã tổ chức khám bệnh từ 5h. Đây là việc làm hiệu quả vừa phục vụ tốt cho người dân, vừa hạn chế được vấn nạn trên.

Cùng với đó, đơn vị cũng triển khai việc lấy số tự động qua phần mềm hoặc qua tổng đài ngay tại nhà. Trong đó, bắt buộc khai báo tên người bệnh để hạn chế tình trạng "cò" lấy số trước rồi bán lại cho người bệnh. Cách 30 phút, bệnh viện phát loa thông báo trong khuôn viên để người dân cảnh giác. Bên cạnh đó, bệnh viện nỗ lực áp dụng công nghệ thông tin vào tất cả khâu khám chữa bệnh từ lấy số tự động, khám bệnh đến xét nghiệm, điều trị… để giảm tối đa thời gian khám chữa bệnh cho người dân” - TS-BS Diệp Bảo Tuấn thông tin.

Nhức nhối nạn mạo danh các cơ sở y tế uy tín

Ngoài việc cò mồi, nhiều nơi còn lợi dụng danh tiếng của các bệnh viện uy tín để đặt tên phòng khám khiến nhiều người bệnh hiểu lầm. Mới đây, Bệnh viện Chợ Rẫy đã có đơn khẩn cấp đến Công an TPHCM yêu cầu can thiệp vào vụ việc giả mạo thương hiệu của bệnh viện này. Trong đơn, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, Công ty TNHH Viện thẩm mỹ Chợ Rẫy (địa chỉ tại quận Tân Bình, TPHCM) có hành vi sử dụng trái phép chỉ dẫn thương mại "Chợ Rẫy" để gắn trên biển hiệu, trong tên doanh nghiệp. Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy khẳng định không có bất cứ cơ sở thẩm mỹ nào bên ngoài. Đã có không ít người vì tin tưởng vào độ uy tín, tay nghề của các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy mà “tiền mất tật mang”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn