MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các em học sinh vui mừng đi qua cầu mới. Ảnh: Nguyên Anh

Có cầu mới, học sinh Miệt thứ Kiên Giang hết cảnh bơi xuồng qua sông đi học

NGUYÊN ANH LDO | 03/12/2023 16:44

Cầu nối yêu thương 104 có chiều dài 54m, chiều rộng 3,5m, tải trọng 3 tấn, tổng kinh phí 830 triệu đồng trở thành con đường độc đạo nối liền 2 đầu, hỗ trợ trực tiếp tới gần 700 hộ dân thường xuyên qua lại đồng thời nâng bước 250 em học sinh xã Thuận Hòa, huyện An Minh đến trường.

Ngày 3.12, UBND xã Thuận Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) phối hợp cùng Công ty Cổ phần nhựa Thiếu niên Tiền Phong, nhóm thiện nguyện Từ Tâm và nhiều nhà tài trợ, bà con nhân dân trên địa bàn tổ chức khánh thành cầu nối yêu thương 104 (Cầu Ven canh nông ấp 9A).

Đại biểu cắt băng khánh thành cầu mới. Ảnh: Nguyên Anh

Sau hơn 5 tháng thi công với sự hỗ trợ nhiệt tình từ địa phương, sự chung tay đồng lòng của bà con cùng đội thi công, cây cầu đã nhanh chóng được hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng trong niềm vui mừng hân hoan của bà con nhân dân.

Em Huỳnh Thị Nhã Hân, học sinh lớp 4 trường Tiểu học Thuận Hòa 3, chia sẻ: “Bình thường đi học thì con tự bơi xuồng, bơi vỏ qua sông rồi con đi bộ đến trường, đi cũng rất vất vả, mệt. Nhưng bây giờ có cầu bắc ngang sông đi rất dễ, con đi bộ thẳng tới trường luôn không phải bơi qua sông nữa, con thấy mừng lắm”.

Còn bà Nguyễn Thị Mừng người dân địa phương vui mừng cho biết: “Hồi chưa có cầu thì người dân phải đi bộ lên rồi lội qua đập rất cực rồi mới vòng qua lộ bên này được. Không thuận tiện lại khó khăn, tôi lớn tuổi rồi làm nghề đi bán củi ở đường kênh trong này tới chợ thì phải đi vỏ ra hết 100.000 đồng, vừa tốn kém lại mất công. Giờ có cầu bà con ai cũng mừng, con cháu đi học cũng đỡ lo hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết: Xã Thuận Hòa là vùng ven cửa biển, kết nối vào đất liền dọc theo con Kênh Ven Nông. Từ trước đến nay, địa phương chưa từng có cây cầu để đi lại, bà con di chuyển hầu hết bằng ghe, đò vì con đường mòn xa hơn 2km và không phải ai cũng có điều kiện để di chuyển xa như vậy.

Cầu mới khánh thành giúp bà con đi lại thuận tiện, không còn cảnh bơi xuồng qua sông hay đi đường vòng. Ảnh: Nguyên Anh

“Bà con phát triển kinh tế chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản nên mỗi mùa nước nổi, đi lênh đênh trên nước không chỉ nguy hiểm tới tính mạng mà còn thiệt hại cả về tài sản. Mặt khác, các em học sinh phải đi một quãng đường vòng dài đến trường, ảnh hưởng rất lớn đến thời gian học tập. Thậm chí những ngày nước lên cao các em phải nghỉ học ở nhà khiến thầy cô cũng rất vất vả để dạy bù, tổ chức ôn luyện”, ông Thắng thông tin.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm - Phó TGĐ Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong cho biết: “Chương trình Cầu nối yêu thương là hoạt động xã hội vì cộng đồng do Nhựa Tiền Phong khởi xướng vào năm 2017 với mục đích xây dựng những cây cầu dân sinh cho các địa phương trên cả nước. Hơn 6 năm triển khai, “Cầu nối yêu thương” đã nối nhịp được gần 120 cây cầu nhân ái trên mọi miền Tổ quốc với sự chung sức của nhiều tổ chức, cá nhân. Tính đến thời điểm này, chương trình đã xây dựng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang tổng cộng 19 cây cầu".

Dịp này, chương trình Cầu nối yêu thương đã trao tặng 20 phần quà đến các gia đình khó khăn, chính sách và 20 phần quà học bổng cho các em học sinh giỏi vượt khó tại xã Thuận Hòa.

Trước đó ngày 2.12, chương trình đã phối hợp với xã Vĩnh Phước A, huyện Gò Quao và xã Thạnh Lộc, huyện Giồng Riềng tổ chức lễ khởi công cầu Từ tâm 174 và Cầu nối yêu thương số 113. Cùng với đó, đoàn công tác của chương trình cũng khảo sát thêm tại các điểm cầu cần xây dựng trên địa bàn huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn