MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân làm thủ tục hành chính tại Thành phố Thủ Đức. Ảnh: Minh Quân

Cơ chế vượt trội cho TPHCM: Giải bài toán nhân lực và vốn

MINH QUÂN LDO | 21/10/2022 06:00

TPHCM đang chuẩn bị cho dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 với mong muốn có cơ chế riêng trong nhiều lĩnh vực như: Quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực…

Cán bộ quá tải

Xã Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh) có 167.000 dân - tương đương  một nửa dân số tỉnh Bắc Kạn. Tuy nhiên, biên chế của xã được giao chỉ 36 người, gồm cả những người hoạt động không chuyên trách, khiến quá tải công việc. Tương tự, tại phường Hiệp Bình Chánh (Thành phố Thủ Đức) có 107.000 dân, khối lượng công việc lớn, trong khi chỉ tiêu giao biên chế cũng 37 người (hiện có 34 người), không đáp ứng được công việc. Do áp lực cao, khối lượng công việc lớn nên liên tục có tình trạng cán bộ nộp đơn xin nghỉ việc. Cá biệt có một phó chủ tịch phường cũng từ nhiệm.

Tuy vậy, TPHCM từng bị phê bình là địa phương duy nhất đi ngược xu hướng chung vì dôi dư hơn 5.700 biên chế.

Hồi tháng 6 năm nay, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, thành phố quản lý không chặt chẽ biên chế, dẫn đến việc còn một số biên chế không đúng cơ quan thẩm quyền, chênh với số lượng biên chế mà Thủ tướng phê duyệt.

Trong khi đó, theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, đây không phải là số cán bộ dôi dư, mà là số biên chế thực tế, cần thiết nhưng chưa có sự phê duyệt chính thức của Trung ương. Với khối lượng công việc ngày một tăng, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách và người lao động làm việc tại TPHCM ngày càng bị áp lực.

Không tính khách vãng lai, trung bình theo số biên chế được HĐND giao hiện nay, mỗi công chức phục vụ khoảng 844 người dân; nếu tính cả biên chế phường xã, mỗi công chức phục vụ 346 người dân.

Về vấn đề tài chính - ngân sách, hiện nhu cầu đầu tư, phát triển của TPHCM đang rất lớn, nhưng nguồn lực có hạn, đặc biệt là ngân sách. Đơn cử, nguồn vốn đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho TPHCM được Trung ương phê duyệt hơn 140.000 tỉ đồng. Số vốn này chỉ đủ phân bổ cho dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 sang, không đủ cân đối để thực hiện các dự án đầu tư mới.

Chính vì vậy, TPHCM đã kiến nghị Thủ tướng chấp thuận hỗ trợ thành phố tổng số vốn từ ngân sách Trung ương hơn 21.700 tỉ đồng để thực hiện 6 dự án trọng điểm trong 5 năm tới. Trong đó, có 3 dự án nâng cao năng lực y tế, mua sắm trang thiết bị chuyên môn của các bệnh viện đa khoa Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức với số vốn 4.500 tỉ đồng (mỗi bệnh viện 1.500 tỉ đồng).

Ba dự án phát triển cơ sở hạ tầng với tổng kinh phí hơn 17.200 tỉ đồng gồm: Xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (5.901 tỉ đồng); nạo vét rạch Xuyên Tâm (9.353 tỉ đồng) và cải tạo kênh Hy Vọng (1.980 tỉ đồng). Tuy nhiên, đề xuất trên vẫn chưa được chấp thuận và hiện TPHCM đang phải tiềm nguồn vốn khác để triển khai các dự án này.

Không đòi nhiều biên chế, nhưng phải đủ

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM không đòi nhiều biên chế, nhưng phải đủ, phù hợp với thành phố để đảm đương được công việc.

Ông Phan Văn Mãi cho hay, nếu Trung ương chấp thuận cơ chế tự chủ trong việc giao biên chế, TPHCM sẽ rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy, giảm đầu mối, tăng mức độ tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp, thực hiện xã hội hóa các dịch vụ công; sử dụng hiệu quả số biên chế hành chính, số người làm việc trên địa bàn.

Ngoài ra, TPHCM cũng mong muốn Trung ương giao biên chế theo dân số và khối lượng công việc (ví dụ như số hồ sơ phải tiếp nhận) để phù hợp đặc điểm thành phố nói riêng và các địa phương đông dân nói chung. 

“Cách giao biên chế cần công khai, minh bạch, và phân biệt giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn” - ông Mãi nói.

Liên quan đến tài chính - ngân sách, ngoài giữ lại cơ bản các nội dung của Nghị quyết 54, TPHCM kiến nghị Trung ương bổ sung ban hành thuế tài sản đối với bất động sản ngoài nhà ở hiện hữu của người dân (đất ở, nhà ở thứ hai trở lên); mở rộng giới hạn 90% các khoản vay của địa phương so với số thu ngân sách địa phương được hưởng lên mức 120%; giữ nguyên tỉ lệ điều tiết ngân sách 21% đến hết năm 2025 và không tính vào mức điều tiết các khoản thu từ thuế và phí áp dụng thí điểm (thuế bất động sản thứ 2; các loại phí và mức phí mới).

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, một trong những điểm nghẽn lớn của TPHCM là chưa có chính sách đặc thù để đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tỉ lệ ngân sách để lại cho TPHCM là 21% như hiện nay chưa đủ nguồn lực để đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu cần được đầu tư, khơi thông nguồn lực.

Do vậy, ông Quân cho rằng, TPHCM cần tiếp tục kiến nghị Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM giai đoạn 2022 - 2025 là 23%, 2026 - 2030 là 26%. Để đủ thuyết phục Trung ương, TPHCM cần làm rõ tỉ lệ phần trăm được giữ lại để đầu tư phát triển một số lĩnh vực trọng yếu, trong đó có nguồn lực con người và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn