MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội dự kiến khai thác thương mại trong tháng 6.2024 đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy). Ảnh: Phạm Đông

Có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội

Gia Huy LDO | 02/04/2024 09:16

Ùn tắc giao thông trên địa bàn Hà Nội những năm qua gây ra nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Vì vậy đường sắt đô thị là giải pháp quan trọng để giải bài toán ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Tại kỳ họp thứ 15 vừa qua, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng chú ý, trong các khâu đột phá phát triển, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng, hoàn thành xây dựng các tuyến đường cao tốc, đường quốc lộ, đường vành đai, hệ thống giao thông công cộng; có cơ chế đặc thù để đẩy nhanh tiến độ 14 tuyến đường sắt đô thị, tập trung triển khai hoàn thành sớm các tuyến kết nối nội đô lịch sử với sân bay quốc tế Nội Bài, với khu công nghệ cao Hoà Lạc.

Tại Hà Nội đến nay, mới có tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông) do Bộ GTVT thực hiện, có tổng chiều dài 14km đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - Ga Hà Nội dài 12,5km, đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm, trong đó đoạn trên cao (Nhổn - Cầu Giấy) dài 8,5km dự kiến khai thác thương mại trong tháng 6.2024.

Trao đổi với Lao Động ngày 31.3, TS Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Hanoi Metro - cho biết, sau khoảng 2 năm đi vào vận hành, tuyến Cát Linh - Hà Đông có tỉ lệ chạy tàu đúng giờ đạt 99,9%; vận chuyển hơn 18,1 triệu lượt khách. Vào ngày bình thường, tuyến vận chuyển 35.000-36.000 hành khách; ngày cuối tuần vận chuyển 24.000-26.000 hành khách. Tỉ lệ hành khách sử dụng vé tháng bình quân trong ngày khoảng 70%.

Theo TS Vũ Hồng Trường, cần tăng cường tính kết nối của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng nhằm hướng tới hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức. Trong đó, hệ thống đường sắt đô thị đóng vai trò xương sống. Các loại hình vận tải công cộng khác sẽ đóng vai trò gom khách, trung chuyển và giải tỏa hành khách tại các nhà ga đường sắt đô thị.

Vị chuyên gia cho rằng, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất là tiền đề quan trọng làm cơ sở thực hiện đối với các dự án đường sắt đô thị. Bởi thu hồi đất xây dựng metro với diện tích rất lớn, làm ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người dân. Do vậy, quá trình giải phóng mặt bằng sẽ gặp không ít khó khăn.

TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải - cho rằng, muốn có 14 tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, thành phố phải đề xuất Trung ương cho phép được thực hiện các cơ chế đặc thù, vượt trội để phát triển đường sắt đô thị cũng như phát triển kinh tế. Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỉ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Theo ông Thủy, công tác giải phóng mặt bằng hiện nay thường chậm, dẫn đến kéo dài thời gian hoàn thành dự án, phát sinh chi phí. Vì thế, khâu chuẩn bị mặt bằng là một trong những bước quan trọng nhất trong quá trình phát triển dự án metro.

Nêu ý kiến tại cuộc họp HĐND TP Hà Nội ngày 29.3, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ đại biểu quận Hoàng Mai) cho rằng, với cách làm như hiện nay, không biết đến bao giờ Hà Nội mới hoàn thiện được các tuyến đường sắt đô thị như quy hoạch. Theo đại biểu, sự chậm trễ còn làm tăng chi phí đầu tư của mỗi tuyến đường sắt.

Vị đại biểu cho biết, thành phố cần có cơ chế đặc thù về huy động vốn để làm đường sắt đô thị. Hoàn thiện 14 tuyến đường sắt đô thị cần hàng chục tỉ USD, thậm chí cả trăm tỉ USD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn