MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ Lê Thi - một trong 2 người kéo Quốc kỳ trong ngày 2.9.1945 tại quảng trường Ba Đình. Ảnh: Thành Trung

“Cô gái” kéo cờ trong Tết độc lập đầu tiên: Tôi run lắm, chỉ sợ kéo mà cờ không lên

Thành Trung LDO | 02/09/2018 14:00
92 tuổi, ở cái tuổi xưa nay hiếm, đi lại khó khăn, nhưng khi nói về ngày 2.9.1945, cụ Lê Thi vẫn rất hào hứng. Trong ngày Tết độc lập đầu tiên ấy, cụ là một trong 2 người được cử lên kéo Quốc kỳ trên lễ đài.

Tôi run lắm, chỉ sợ kéo mà cờ không lên

Trong chiều thu Hà Nội lất phất mưa, trên căn gác nhỏ ở số 62 Ngô Quyền, cụ Lê Thi hào hứng kể lại thời khắc lịch sử của đất nước, cũng là thời khắc lịch sử trong cuộc đời mình.

Theo cụ Lê Thi, đúng 14h ngày 2.9.1945, cụ dẫn đầu đoàn phụ nữ tiến về quảng trường Ba Đình tham dự lễ mít tinh.

"Tôi dẫn đầu, đi ở ngoài hàng, vừa đi vừa hô "một hai, một hai", đi được một đoạn lại hô khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh, ủng hộ Việt Minh!”. Vậy là chị em lại hô theo: "Việt Minh, Việt Minh!”, cụ Thi hào hứng kể.

Cụ Lê Thi lần lại những trang tài liệu kể về cuộc đời mình. Ảnh: Thành Trung 

Khi tới quảng trường Ba Đình, đoàn phụ nữ của cụ được đứng vị trí đầu tiên. Gần 14h30, một cán bộ xuống thông báo cử người lên kéo cờ. Tất cả mọi người đều ngại, không ai chịu xung phong lên.

“Cuối cùng, các chị em đã vận động tôi lên. Lúc ấy tôi run lắm nên đứng yên không nhúc nhích. Đến khi anh cán bộ xuống thúc thì tôi mới bước đi", cụ Thi thuật lại.

Trong ký ức của cụ Thi, cột cờ ở phía trên bục lễ đài, đường lên ở phía sau. Bà phải bước lên nhiều bậc cầu thang gỗ để tiến đến chân cột cờ.

“Khi ấy mới 19 tuổi, chân tôi run lên khi bước lên các bậc thang vì sợ ngã, lúc lên tới nơi trên lễ đài có Bác Hồ và rất đông người, ở cột cờ có một chị mặc áo người Tày đứng đợi sẵn”, cụ Thi kể.

Mặc dù đang run nhưng cụ Thi cũng kịp phân công nhanh công việc với người còn lại. "Chị thấp, chị nâng cờ, em cao, để em kéo cờ".

“Khi nhạc quốc ca vang lên, hai chị em bắt đầu kéo cờ. Lúc đó tôi vừa kéo tay vừa run chỉ sợ kéo mà cờ không lên, thế là tôi ra sức kéo, tới khi hết tiếng nhạc lá cờ cũng vừa lên tới đỉnh cột, lúc ấy tôi mới thở hắt ra, tay vẫn rung lên từng đợt”, cụ Thi xúc động kể.

"Lá cờ vừa chạm đỉnh, một biển người rực rỡ cờ hoa đang hô vang khẩu hiệu: Ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh! Rồi cả biển người bỗng im phăng phắc lắng nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập", cụ Thi nhớ lại. 

Trong giây phút lịch sử ấy, cụ Thi vẫn chưa biết người kéo cờ cùng mình là ai, cụ chỉ đoán người đó là người Tày vì mặc trang phục của dân tộc Tày.

Mãi đến 20 năm sau, cụ Thi mới biết tên người tham gia kéo cờ cùng mình hôm đó là bà Đàm Thị Loan, vợ của Đại tướng Hoàng Văn Thái.

Giờ này chẳng ai biết tới “Dương Thị Thoa”

Theo lời kể của cụ Lê Thi, quê cụ ở Hưng Yên, nhưng cụ sinh ra và lớn lên tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có 8 anh chị em, ở 98 Hàng Bông. Bố cụ là Hiệu trưởng Trường Bưởi, cố GS Dương Quảng Hàm.

Ảnh chụp gia đình cụ Lê Thi từ năm 1943. 

Dường như đoán được phóng viên định hỏi gì, cụ Thi nói luôn “Tôi cũng mang họ Dương, Lê Thi chỉ là bí danh thời còn hoạt động của tôi thôi”.

"Ngoài bí danh Lê Thi, tôi còn một tên khác là Lê Hà nhưng ít dùng hơn. Khi học năm cuối Trường Đồng Khánh, tôi rất thích họ Lê của vua Lê Lợi nên đã tự lấy họ Lê để đặt cho mình, còn Thi là tên của người bạn thân. Tên thật của tôi là Dương Thị Thoa”, cụ Thi cười khi nhớ lại câu chuyện tự đặt tên cho mình.

Trong ký ức của cụ, cái tên Lê Thi đã gắn liền với những năm tháng tuổi trẻ, gắn với những chiến công trong suốt cả đời theo cách mạng.

“Giờ này chẳng ai còn nhớ tên tôi là Thoa nữa, các con cũng đã già về hưu rồi, những người cùng thời đã đi gần hết, chẳng còn lại mấy người”, cụ Thi xúc động.

Khi hòa bình lặp lại, cụ Lê Thi - GS Dương Thị Thoa về công tác tại Viện Triết học, cụ từng làm Giám đốc Viện Triết học nhiều năm trước khi về hưu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn