MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các cơ quan chức năng TP Hà Nội thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với các đơn vị chậm đóng BHXH kéo dài. Ảnh: Vũ Minh

Có giải pháp quyết liệt, đồng bộ xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH

Phạm Đông LDO | 26/02/2024 10:45

Đại biểu Quốc hội rất trăn trở về việc hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của việc xử lý với các hành vi chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) để đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Đồng thời xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.

Người lao động thiệt đơn thiệt kép do bị nợ BHXH

Chị Nguyễn Thị Thoan, công nhân một công ty ở Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) cho biết, tháng 12.2023 vừa qua, phải điều trị tại viện 10 ngày mà không được hỗ trợ bởi không có thẻ bảo hiểm y tế do công ty nợ BHXH kéo dài.

Chung hoàn cảnh, anh Trương Văn Bình, từng làm việc tại Công ty Thi công cơ giới I - Chi nhánh Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1, cũng chịu nhiều thiệt thòi trong hành trình 5 năm đòi hỏi công bằng, đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Anh Bình làm việc tại công ty từ tháng 9.2011, tháng 3.2018 anh nghỉ việc. Nhưng công ty chỉ đóng BHXH cho anh đến tháng 3.2017. Hiện công ty này đang nợ hơn 17 tỉ đồng trong 82 tháng nên nhiều người lao động không được chốt sổ BHXH.

Tính riêng ở Hà Nội, đến đầu năm 2024, khoảng 640.000 người lao động tại 53.000 doanh nghiệp chịu thiệt thòi do bị nợ BHXH, với số tiền hơn 4.260 tỉ đồng. Trong đó có 25 doanh nghiệp, đơn vị nợ từ 10 tỉ đồng trở lên, nợ cao nhất là 60 tỉ đồng, số tháng nợ nhiều nhất là 193 tháng.

BHXH TP Hà Nội mới đây đã công bố danh sách 150 đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của người lao động từ 6 đến 24 tháng. Thời điểm chậm đóng tính đến hết tháng 12 năm 2023. Trong danh sách công bố có nhiều đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng kéo dài, từ 20 tháng trở lên.

Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội công bố ngày 22.2 cho thấy, cử tri và nhân dân lo ngại tình trạng các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH vẫn còn xảy ra, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của người lao động…

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục chủ động, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm tình trạng doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH và giải pháp khắc phục tình trạng này.

Tăng cường các biện pháp về thanh tra và xử lý

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) vừa được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 và dự kiến sẽ thông qua tại Kỳ họp thứ 7 tới (tháng 5.2024).

Về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan trên cơ sở tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và định hướng hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH để nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp, chế tài nhằm xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như: Bổ sung quy định làm rõ khái niệm “trốn đóng BHXH”; Quy định phải nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng BHXH; Quyết định ngừng sử dụng hóa đơn; Quyết định hoãn xuất cảnh; Khởi tố theo quy định của Bộ luật Hình sự…

Ngoài ra, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Đại biểu Dương Văn Thăng - Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh cho rằng, đề nghị ban soạn thảo tăng cường các biện pháp về thanh tra và xử lý các vi phạm theo dự thảo luật đưa ra.

Đồng thời đề nghị có thêm các quy định để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách BHXH nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng BHXH gia tăng.

Theo đại biểu Đỗ Thị Việt Hà (Đoàn Bắc Giang), để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) cần tiếp tục rà soát, nghiên cứu bổ sung một số biện pháp, chế tài như khấu trừ tiền nợ BHXH tại các tài khoản ngân hàng sau khi đã có thông báo đôn đốc của cơ quan BHXH trong thời gian nhất định, có thể là 3 tháng, công khai danh tính các đơn vị nợ BHXH trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn