MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cô giáo Đặng Thị Huyền Trang và “mô hình điều khiển điện - tự động hóa trong giảng dạy tích hợp”. Ảnh: NVCC

Cô giáo “hai giỏi” với sáng kiến làm lợi hàng trăm triệu đồng

Hà Anh LDO | 01/05/2021 13:10

Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần bổ sung trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong điều kiện nhà trường còn hạn chế về vốn đầu tư mua sắm, cô giáo Đặng Thị Huyền Trang (Khoa Điện - Tự động hóa, Trường Cao Đẳng Công Thương Thái Nguyên) đã phối hợp cùng đồng nghiệp đề xuất sáng kiến “Ứng dụng mô hình điều khiển điện - tự động hóa trong giảng dạy tích hợp”.

Sáng kiến nhằm nâng cao chất lượng dạy và học

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, cô giáo Đặng Thị Huyền Trang chia sẻ, trước kia khi chưa có “Mô hình điều khiển điện - tự động hóa” (mô hình), việc giáo viên phải mô tả trên nhiều sa bàn khác nhau, chuyển từ vị trí này sang vị trí khác gây mất thời gian, việc đầu tư nhiều sa bàn khác nhau cũng gây tốn kém cho nhà trường; chưa đạt được ý đồ sư phạm của giáo viên; chưa có tính đa năng ứng dụng cho nhiều bài học, nhiều mô đun; vận chuyển khó khăn; giá thành cao…

“Xuất phát từ nhu cầu thực tế cần bổ sung trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng dạy học trong điều kiện nhà trường còn hạn chế về vốn đầu tư mua sắm. Để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tiếp cận với trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, phù hợp với thực tế và chương trình đào tạo, tôi và đồng nghiệp là anh Lưu Hùng Thắng đã thiết kế và chế tạo “Mô hình điều khiển điện - tự động hóa” với mục đích: Trực quan hóa thiết bị dạy học hiện đại, tính năng kỹ thuật cao, an toàn để vận chuyển phục vụ giảng dạy và học tập; giảng dạy được nhiều bài học, nhiều mô đun mà các thiết bị khác không đáp ứng được; khai thác tính năng sáng tạo của thầy và trò, rèn luyện tay nghề, tiếp cận công nghệ mới; giảm kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị cho nhà trường” - cô Trang cho biết.

Những điểm mới của mô hình do cô Trang và đồng nghiệp sáng kiến nhằm giúp người học có thể tiếp cận với công nghệ hiện đại, nhóm tác giả đã thiết kế module hiển thị màn hình HMI giúp người học thực hiện được giao diện màn hình với hoạt động của hệ thống.

Theo đó, màn hình HMI có cổng Ethernet kết nối mạng LAN thu thập dữ liệu, hiển thị trạng thái hoạt động, cảnh báo lỗi, ra lệnh điều khiển các máy sản xuất, máy công cụ thông qua PLC. Nhờ giao diện màn hình cảm biến HMI có thể mô phỏng được quá trình làm việc của hệ thống một cách thực tế. Đồng thời người vận hành có thể dễ dàng theo dõi, phát hiện được lỗi khi xảy ra sự cố và điều khiển hệ thống làm việc từ xa thông qua kết nối mạng của màn hình HMI.

Thiết bị điều khiển PLC S7-200 được nâng cấp thay thế bằng PLC S7-1200 có những tính năng nổi trội hơn như S7-1200 được thiết kế nhỏ gọn, chi phí thấp, và một tập lệnh mạnh giúp những giải pháp hoàn hảo hơn cho ứng dụng sử dụng với S7-1200; S7-1200 cung cấp một cổng PROFINET, hỗ trợ chuẩn Ethernet và TCP/IP.

Tạo động lực để học sinh rèn luyện tay nghề

Theo đánh giá của Ban Giám hiệu Trường Cao Đẳng Công Thương Thái Nguyên, cô Trang và đồng nghiệp đã thiết kế và chế tạo mô hình giảng dạy hướng theo phương pháp dạy học mới dạy học tích hợp đã tiết kiệm được chi phí và đạt hiệu quả cao, chi phí chế tạo mô hình (58.500.000 đồng) thấp hơn nhiều so với mua mô hình bên ngoài (220.000.000 đồng). Mô hình khi giảng dạy đã tiết kiệm được vật tư, thiết bị giảng dạy. Trước khi chế tạo mô hình, giảng dạy các bài thực hành tốn rất nhiều vật tư giảng dạy (băng dính, dây điện...) khi có mô hình vật tư phục vụ giảng dạy tốn rất ít, do đó tiết kiệm được chi phí giảng dạy rất nhiều.

Ngoài ra, khi có mô hình đã tạo được động lực cho học sinh sinh viên tích cực hơn trong rèn luyện tay nghề tạo được kỹ năng và kỹ xảo cho học sinh và nắm vững các kiến thức thực tiễn có thể áp dụng vào thực tế.

Mô hình sau khi tham gia hội thi thiết bị dạy học tự làm cấp Trường, cấp Tỉnh, cấp Toàn Quốc năm 2019 đã được ứng dụng trong quá trình giảng dạy tại nhà trường. Từ tháng 2.2021, “Ứng dụng mô hình điều khiển điện - tự động hóa trong giảng dạy tích hợp” đã được cải tiến và tiếp tục ứng dụng trong quá trình giảng dạy. Và sáng kiến của cô giáo Đặng Thị Huyền Trang đã được Công đoàn Công Thương Việt Nam đề cử tham gia Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐVN phát động.

Ngoài trực tiếp giảng dạy, cô giáo Đặng Thị Huyền Trang còn là Phó Chủ tịch Công đoàn trường; Trưởng Ban Nữ công; Chủ tịch Công đoàn bộ phận Điện - Tự động hóa; Phó trưởng khoa Điện - Tự động hóa; Đảng ủy viên; Phó Bí Thư Chi Bộ. Với sự năng nổ, nhiệt tình, từ năm 2010-2020, cô giáo Đặng Thị Huyền Trang đã được nhận nhiều danh hiệu từ nhà trường và Công đoàn Công Thương Việt Nam, trong đó có danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” năm 2019 do Công đoàn Công Thương Việt Nam trao tặng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn