MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ngành lương thực, thực phẩm đang có nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh: Ngọc Lê

Cơ hội bứt phá cho ngành lương thực, thực phẩm TPHCM

NGỌC LÊ LDO | 18/04/2024 11:05

Ngành lương thực, thực phẩm của TPHCM đang có dấu hiệu hồi phục và khởi sắc trở lại, một số mặt hàng gạo, cà phê… đang được doanh nghiệp các nước trên thế giới ưu tiên đặt hàng. Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM - đã có những đánh giá về tiềm năng của ngành lương thực, thực phẩm trong thời gian tới.

Theo bà, tình hình kinh doanh của ngành lương thực, thực phẩm trong những tháng đầu năm có những tín hiệu ra sao?

- Trong những tháng đầu năm 2024, tình hình sản xuất kinh doanh chung của TPHCM đối với nhóm hàng nội địa và xuất khẩu đang có chỉ số tăng trưởng tốt. Riêng đối với ngành lương thực, thực phẩm chiếm 32% trong tổng lượng hàng hoá kinh doanh xuất khẩu. Trong đó, ngành đồ uống, thức uống vừa qua do việc kiểm soát nồng độ cồn nghiêm ngặt nên chỉ số tăng trưởng ít, đạt 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện chế biến sản xuất và xuất khẩu của ngành lương thực, thực phẩm tăng tốc đều. Nhóm chế biến thuỷ hải sản, chế biến thức ăn… tăng trưởng cao trên 30% đáp ứng cho thị trường thế giới như Mỹ, EU… nhờ làm theo đơn đặt hàng.

Bà có đánh giá như thế nào về những chương trình kích cầu tiêu dùng của thành phố?

- Hiện nay về kích cầu thì các ban, ngành tại TPHCM đều đang vào cuộc tích cực. Đơn cử như Sở Công Thương TPHCM đang phối hợp với các nhà bán hàng để đưa ra những chương trình khuyến mãi, giảm giá thành kích thích người dân tăng mua sắm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khi tham gia các chương trình này thì lợi nhuận rất ít, thậm chí phải hòa vốn.

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam đang rất “hot” trên thị trường quốc tế, vậy theo bà các doanh nghiệp trong nước đang tận dụng cơ hội này ra sao?

- Với nhóm hàng gạo do hạn hán, thời tiết không thuận lợi nên một số doanh nghiệp trên thế giới đóng cửa thị trường xuất khẩu. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đảm bảo được an ninh lương thực nên có thể ký các đơn hàng và xuất khẩu. Do đó, các doanh nghiệp trên thế giới khi mua gạo họ vẫn ưu tiên Việt Nam vì có thể đảm bảo giao, nhận.

Tương tự, một số mặt hàng nông sản khác cũng đang tận dụng cơ hội tốt nhờ một số chính sách như đề án phát triển 1 triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, giải pháp xanh hóa, chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp…

Khó khăn hiện tại của các doanh nghiệp lương thực, thực phẩm như thế nào?

- Hiện một số thị trường xuất khẩu lớn của ngành lương thực, thực phẩm, điển hình như EU đã đưa ra những cảnh báo về việc sản phẩm cần đáp ứng các tiêu chí xanh nếu muốn xuất khẩu vào thị trường này.

Đáng chú ý, với ngành từ trước đến nay, một số doanh nghiệp lớn, có thương hiệu quốc gia đang bắt đầu chuyển dịch một phần nguồn vốn cho quỹ đầu tư và các loại hình tương tự vì muốn mở rộng sản xuất, vốn kinh doanh, mở rộng mặt bằng. Chúng tôi đã cảnh báo và lo sợ các doanh nghiệp này không còn đơn thuần là doanh nghiệp Việt Nam.

Đánh giá của bà về tình hình của các doanh nghiệp trong những tháng tiếp theo?

- Đối với các doanh nghiệp của ngành lương thực, thực phẩm thì sau Tết Nguyên đán đến nay vẫn duy trì sản xuất đều đặn, công nhân làm việc được đảm bảo nhưng không tăng ca như các năm. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm, bổ sung thêm các đơn hàng ở thị trường xuất khẩu.

Xin cảm ơn bà!

Theo Cục thống kê TPHCM, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 3.2024 ước đạt 88.537 tỉ đồng, tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung quý I/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 270.264 tỉ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xu hướng tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng vẫn đang là thách thức lớn cho các đơn vị kinh doanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn