MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng đang hướng tới việc xây dựng trở thành thành phố môi trường trong tương lai. Ảnh: Đ.N

Cơ hội đi kèm thách thức khi Đà Nẵng xây dựng "Thành phố môi trường"

Hữu Long – Cát Tường LDO | 21/04/2021 11:10
Để đạt được thành phố môi trường, Đà Nẵng còn phải nỗ lực nhiều để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, thiếu mảng xanh đô thị, tình trạng nước nhiễm mặn… Đà Nẵng đã nhìn nhận rõ những vấn đề tồn tại, thách thức để tìm giải pháp thực hiện hữu hiệu mục tiêu xây dựng thành phố môi trường trong tương lai một cách bền vững.

Hàng loạt thách thức

Là thành phố ven biển, Đà Nẵng tiếp tục chịu ảnh hưởng nghiêm trọng trước các tác động của biển đổi khí hậu. Đó là hàng chục kilômét đường biển - nơi từng được mệnh danh làm một trong những bờ biển đẹp nhất hành tinh, liên tục bị xói lở, xâm thực nặng nề. Quá trình phát triển, Đà Nẵng còn phải đối mặt cả nạn phá rừng, xả trộm nước thải thẳng ra môi trường biển…

Thực tế này buộc thành phố phải có những chiến lược bền vững trong sự phát triển hài hòa giữa kinh tế và môi trường trong tương lai. Chính vì thế nên ngày 2.4 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng đã ban hành phê duyệt Đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” giai đoạn 2021 - 2030, với tổng kinh phí 15.546 tỉ đồng.

Đề án đặt mục tiêu tiếp tục duy trì, giữ vững và nâng cao các mục tiêu xây dựng thành phố môi trường theo Đề án phê duyệt năm 2008. Phấn đấu đến năm 2025, thành phố đáp ứng các mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra, có lộ trình đến năm 2030 theo hướng đô thị sinh thái; tạo sự an toàn về sức khoẻ và môi trường cho người dân, các nhà đầu tư, cho du khách trong và ngoài nước khi đến với thành phố Đà Nẵng.

Đồng thời, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường tại các khu dân cư, khu công nghiệp, vùng ven biển và các khu vực cảnh quan tự nhiên; đảm bảo chất lượng môi trường nước, đất, không khí theo quy chuẩn; đặc biệt chú trọng đến các vấn đề khắc phục ô nhiễm không khí do giao thông vận tải, quản lý môi trường công nghiệp, quản lý chất thải nguy hại. Các mục tiêu cụ thể được chia thành 4 nhóm, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm môi trường; cải thiện môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường trọng tâm, trọng điểm; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường.

Phát triển nhưng không đánh đổi môi trường

Ông Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở TNMT TP.Đà Nẵng - chia sẻ, việc thực hiện đề án lần này có mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, mang tính hệ thống, tính khả thi cao, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực và lộ trình thực hiện. Trong quá trình thực hiện đề án vào thời gian tới, thành phố cần sự hỗ trợ, phát triển những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường như xây dựng, phát triển hệ thống giao thông thông minh; xây dựng các công viên trong đô thị, bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước… Bên cạnh đó, phối hợp, thúc đẩy phát triển mô hình kinh tế xanh tạo nên đặc trưng của thành phố môi trường; kiểm toán chất thải, đánh giá vòng đời sản phẩm và các mô hình quản lý tiên tiến khác…

Một trong những vấn đề người dân lo ngại hiện nay chính là trong quá trình phát triển, môi trường thiên nhiên ở Đà Nẵng tiếp tục bị xâm hại bởi tác nhân của con người, của tình trạng biến đối khí hậu. Một khi nhìn nhận thực tế như thế, Đà Nẵng có thể thay đổi trong cách điều hành, trong tư duy của đội ngũ lãnh đạo thành phố. Đơn cử như thành phố đã biết lắng nghe góp ý của dư luận, nói không với các dự án có khả năng gây hại đến môi trường như dự án Công viên Đại dương - xây dựng tại Bán đảo Sơn Trà.

Cũng theo ông Tô Văn Hùng, quá trình thực hiện đề án trong 10 năm tới, thành phố sẽ tiếp tục giữ quan điểm phát triển kinh tế những đảm bảo các tiêu chí về môi trường. Cùng với đó, thành phố cũng cần sự hỗ trợ, phát triển những giải pháp kỹ thuật thân thiện với môi trường như phát triển hệ thống giao thông thông minh, xây dựng các công viên trong đô thị, bảo tồn các khu vực bảo tồn thiên nhiên, khu vực đất ngập nước…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn