MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tuyên Quang phấn đấu trở thành cứ điểm quan trọng của ngành gỗ cả nước. Ảnh: Phùng Minh

Có một cứ điểm ngành gỗ giữa lõi rừng Việt Bắc

Phùng Minh LDO | 17/11/2022 08:17

Tuyên Quang - Phát triển lâm nghiệp bền vững, chú trọng chuyển đổi sang cây gỗ lớn đang là hướng đi mới tại nhiều địa phương của tỉnh miền núi Tuyên Quang cũng như hiện thực hóa mục tiêu trở thành cứ điểm ngành gỗ của cả nước.

Chuyển đổi sang rừng gỗ lớn

Tiến Bộ là một trong những xã khó khăn của huyện Yên Sơn. Sinh kế của hơn 60% số dân tại đây phụ thuộc vào ngành lâm nghiệp. Để cái nghèo đói không còn đeo bám, người dân đã chủ động chuyển đổi sang phát triển lâm nghiệp bền vững.

Viêc trồng cây lâu năm có giá trị kinh tế cao thay vì những cây gỗ tạp kém hiệu quả giúp đời sống của nhiều gia đình được cải thiện.

Không giấu nổi niềm vui khi nhắc về cây gỗ lớn, anh Nịnh Văn Lìn - Giám đốc Hợp tác xã Tiến Huy (Tiến Bộ) cho biết, chính mô hình trồng cây lâu năm đã thay đổi cuộc đời anh.

Anh Nịnh Văn Lìn quyết định chuyển đổi sang trồng cây gỗ lớn mang hiệu quả kinh tế cao. ảnh: Phùng Minh

Theo anh Lìn, so với các cây ngắn ngày, cây gỗ lớn để lâu năm cho thu nhập ổn định hơn nhiều. Trồng rừng gỗ nhỏ 6 - 7 năm tuổi năng suất trung bình chỉ 70 - 80m3. Sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận hàng năm đạt 6 triệu đồng/ha.

Thế nhưng nếu chuyển hoá sang cây gỗ lớn với chu kỳ hơn 10 năm sẽ cho năng suất trên 150m3. Từ đó lợi nhuận cũng tăng gấp đôi, gấp 3. 

"Chênh lệch hiệu quả giữa cây ngắn ngày và cây lâu năm là rất rõ ràng. Đặc biệt, khoảng thời gian từ năm thứ 6 đến năm thứ 8 trở lên mình không cần phải chăm sóc nhiều.

Từ khi áp dụng trồng cây gỗ lớn, thu nhập gia đình cũng ổn định hơn, cuộc sống cũng đỡ phần nào vất vả" anh Lìn cho biết.

Từ một hộ khó khăn, sau khi quyết định gắn bó với cây gỗ lớn, anh Lìn đã thành lập được hợp tác xã và dựng xưởng chế biến gỗ riêng. Xưởng sản xuất của anh sử dụng hoàn toàn gỗ nguyên liệu để cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước.

Cuộc sống của gia đình anh Lìn ổn định hơn từ khi tập trung phát triển cây gỗ lớn. Ảnh: Phùng Minh 

Đặc biệt, xưởng gỗ của gia đình anh đã được cấp chứng chỉ FSC. Đây sẽ là xưởng chế biến gỗ đầu tiên trên địa bàn Tuyên Quang sản xuất theo tiêu chuẩn FSC-CoC – chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm rừng.

Hiện nay, địa bàn toàn xã Tiến Bộ có hơn 4.600 ha rừng tự nhiên. Trong đó, gần 80% diện tích là đất lâm nghiệp. Nhờ chuyển đổi sang cây gỗ lớn như bạch đàn, keo, đời sống của người dân Tiến Bội tiến bộ rõ rệt.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Sự - Phó Chủ tịch UBND xã Tiến Bộ khẳng định, cây lâu năm đã giúp bộ mặt của xã nhà thay đổi. Thu nhập của nhiều gia đình hàng năm lên tới vài trăm triệu đồng, thậm chí có những gia đình hàng tỉ đồng.

"Quá trình trồng cây gỗ lớn được áp dụng các kỹ thuật lâm sinh, tuyển chọn giống, giá trị kinh tế của cây cao nên cho hiệu quả lớn. Nhờ trồng cây lâu năm, cuộc sống của người dân xã Tiến Bộ có chuyển biến rất tích cực so với nhiều năm về trước.

Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục tuyên truyền đến người dân để diện tích rừng gỗ lớn tăng lên" - ông Sự cho hay.

Kiên trì mục tiêu kinh tế rừng

Theo bà Mai Thị Hoàn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, kinh tế lâm nghiệp đang đi theo đúng hướng và dần khẳng định vị trí đứng đầu toàn quốc. Phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững sẽ tiếp tục là mục tiêu trong giai đoạn tới.

Hiện nay, Tuyên Quang đang là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về tỉ lệ che phủ rừng với 65%. Giá trị sản xuất lâm nghiệp của tỉnh đạt 1.600 tỉ đồng/năm, chiếm 17,5% trong toàn ngành nông nghiệp. Giá trị sản phẩm chế biến gỗ chiếm 14% giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Để đạt được mục tiêu đó, địa phương đã tập trung ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất lâm nghiệp. Ngoài ra sử dụng quả diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ gắn với phát triển du lịch sinh thái. Trồng cây dược liệu dưới tán rừng để tăng năng suất và giá trị rừng trồng.

Những cánh rừng gỗ lâu năm được phủ kín trên những cánh rừng tại Tiến Bộ. Ảnh: Phùng Minh 

Phấn đấu đưa giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp tăng bình quân trên 9%/năm, chiếm trên 20% trong tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Quản lý, sử dụng hợp lý, bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp và tiếp tục duy trì độ che phủ rừng ở mức cao.

Với diện tích rừng trồng lấy gỗ nguyên liệu là gần 141.000 ha. Hằng năm địa phương này thực hiện khai thác và trồng mới hơn 10.000ha rừng, tổng sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt trên 900.000m3.

Kinh tế rừng đang có vị trí rất quan trọng trong đời sống của người dân Tuyên Quang góp phần xóa đói giảm nghèo. Quan trọng hơn sẽ giúp địa phương này hiện thực hóa mục tiêu trở thành cứ điểm ngành gỗ của cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn