MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Máy móc nằm im lìm không hoạt động, nước sông Lô chuyển màu xanh ngắt. Ảnh: Long Nguyễn

Có một dòng sông Lô rất khác giữa dịch COVID-19

Long Nguyễn LDO | 15/04/2020 14:35
Không còn hoạt động khai thác cát sỏi rầm rập suốt cả ngày lẫn đêm như trước đây, nước sông Lô giờ biêng biếc xanh. Dòng sông với những con nước dữ tợn và đỏ quạnh hôm nào giờ bỗng hiền hòa đến lạ. Tuy nhiên, lo lắng thì vẫn còn...

Sông Lô từ lâu đã nóng rực bởi tình trạng khai thác cát sỏi trái phép. Trong các địa phương mà con sông này đi qua, Phú Thọ có lẽ là nơi để xảy ra nhiều vụ lùm xùm nhất, một phần bởi chất lượng cát ở đây được coi là đẹp và có giá trị nhất trên toàn tuyến.

Chính quyền Phú Thọ trong nhiều năm qua đã và đang cấp phép cho hàng loạt doanh nghiệp với danh nghĩa nạo vét, khai thác hoặc thăm dò cát sỏi. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đã “lập lờ đánh lận con đen” tìm đủ mọi cách “móc ruột” dòng sông.

Vì lẽ đó mà suốt nhiều năm qua, Sông Lô chẳng lúc nào ngớt tiếng máy múc, máy cẩu gầm rú, sục sạo. Tình trạng khai thác quá độ khiến những tảng đất to như cánh phản từ bờ bãi cứ thi nhau đổ ụp xuống dòng sông đục ngầu, sủi bọt giận giữ, xen giữa những váng dầu lênh láng. Đất đai hoa màu cứ mất dần, bà con nông dân bức xúc, kéo theo nhiều cuộc chiến trên bờ - dưới sông dai dẳng

Cảnh thường thấy tại dòng sông Lô trước thời điểm dịch bệnh: Tàu bè dàn trận trên sông, nước đục ngầu (ảnh chụp tháng 3.2020). Ảnh: Long Nguyễn

Theo tìm hiểu của PV, việc khai thác cát rầm rộ trên sông Lô không chỉ gây ra tình trạng mất đất canh tác của bà con mà còn góp phần khiến hai đoạn bờ kè quốc gia ký hiệu H1 và H4 ở huyện Phù Ninh bị sạt lở, những đoạn bờ kè kế tiếp đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng.

Đất canh tác cùng hoa màu sạt lở hết xuống sông vì tàu cát khai thác quá gần bờ (ảnh chụp tháng 3.2020). Ảnh: Long Nguyễn

Quá khứ đau thương là vậy, tuy nhiên, kể từ thời điểm có dịch COVID-19, đặc biệt từ 1.4.2019, khi toàn dân thực hiện cách ly toàn xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thì Phú Thọ lại là một trong những địa phương thực hiện rất nghiêm túc.

Bên cạnh đó cũng tại thời điểm này, Phú Thọ đã ban hành quyết định tạm dừng toàn bộ các hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn.

Anh Nguyễn Mạnh Hùng (45 tuổi) một người dân sống gần bến phà Then (huyện Phù Ninh) cho biết: "Rất lâu rồi tôi mới thấy sông Lô vắng lặng và hiền hòa đến vậy. Không có tàu khai thác, tàu chở cát cũng vắng theo. Rồi tàu vận tải dọc tuyến cũng rất thưa thớt. 

Qua chỉ mấy ngày yên ả, nước từ đục ngầu rồi trong xanh dần như hiện nay. Nước trong đến mức mà đổ đến đoạn ngã 3 Bạch Hạc (TP Việt Trì) vào sông Hồng, còn thấy rõ hai dòng bên đục, bên trong".

Dưới đây là một số hình ảnh PV Báo Lao Động ghi lại được tại thời điểm giữa tháng 4.2020: 

Sông Lô hiện rất vắng phương tiện qua lại. Ảnh: Long Nguyễn
Từ bên phía bờ Vĩnh Phúc có thể nhìn thấy rõ sự sạt lở bên phía bờ Phú Thọ, hệ quả của việc tỉnh Phú Thọ cấp phép tràn lan các dự án khai thác cát. Ảnh: Long Nguyễn
Các phương tiện trên sông giờ chỉ neo đậu tại chỗ, không hoạt động. Ảnh: Long Nguyễn
Nước sông Lô xanh ngắt bên mạn tàu. Ảnh: Long Nguyễn
Các thủy thủ và nhân viên dành phần lớn thời gian để sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện. Ảnh: Long Nguyễn
Trong thời gian này, các chủ tàu tranh thủ tiến hành sửa chữa bảo dưỡng phương tiện. Ảnh: Long Nguyễn
Một mỏ neo đang được sửa chữa trên tàu. Ảnh: Long Nguyễn
Những "hung thần của dòng sông" được dồn về một chỗ, nghỉ ngơi chờ đến khi được phép hoạt động trở lại. Ảnh: Long Nguyễn
Nước trong xanh tới mức ngay sát thân tàu mà không hề có vết dầu nào loang ra. Ảnh: Long Nguyễn
Theo nhiều người dân, từ rất lâu rồi họ mới thấy nước sông Lô trong xanh đến vậy. Ảnh: Long Nguyễn

Mặc dù rất vui khi dòng sông trở nên biếc xanh và hiền hòa trở lại, nhưng với nhiều người dân địa phương, ai cũng hiểu, đó chỉ là niềm vui tạm thời.

Khi dịch COVID-19 qua đi, khi các tàu cát được phép hoạt động trở lại và thành những "hung thần" thực sự, thì giờ phút thảnh thơi của họ cũng sẽ chẳng còn. Cuộc chiến dai dẳng dưới nước - trên bờ sẽ tiếp tục mà phần thiệt luôn là những người nông dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn