MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bão Linda 1997 đã cướp đi sinh mạng của gần 3.000 người. Ảnh: NCHMF

Có một nỗi đau mang tên “Linda” (trích lời kể của một nạn nhân sống sót sau cơn bão Linda năm 1997) - Kỳ cuối

Kh.V (Theo FB Hoang Linh Hoai-Trung tâm DBKTTV Trung ương) LDO | 29/10/2017 18:30
Ngoài đại lộ tiếng xe tuần tra phát thanh: “Bão đã trực tiếp đổ bộ vào trung tâm thành phố gió cấp 11 giật trên cấp 12, tất cả mọi người phải đi sơ tán tại nơi an toàn gần nhất. Tất cả những ai còn đi trên đường đề nghị chạy vào nơi trú ẩn” 

Tôi nhìn trong ánh chớp, tất cả những nhà xung quanh đều bị tốc mái hay sập, chỉ còn lại duy nhất nhà tôi.

11 giờ đêm

Những cơn gió giật bắt đầu giảm dần, đến 3 giờ sáng thì gió im hẳn.

Nhưng không khí ngột ngạt tới mức không thở được. Cảm giác này có lẽ không bao giờ lặp lại lần thứ 2 trong đời.

3 giờ sáng

Tôi dắt chiếc xe đạp mini và cầm chiếc đèn pin chạy ra thành phố. Tôi không còn nhận ra Cà Mau nữa. TP.Cà Mau thành một đống đổ nát hoang tàn. Những tiếng khóc trẻ con vọng ra từ những nơi trú bão.

Sáng hôm sau

Diện mạo TP.Cà Mau hiện ra rõ nét hơn.

Hơn 2/3 cột điện và đèn đường đỗ sập hoặc gẫy đôi, tất cả đèn đường đều bị bể. Toàn bộ cây xanh khu UBND tỉnh và các đại lộ đều bật gốc nằm ngay ngắn cùng 1 chiều một cách lạ lùng, lá giật nát như có bàn tay vô hình của người không lồ tuốt.

Bệnh viện Cà Mau chật kín người bị thương trong cơn bão. Có một người đã chết vì tôn bay cắt vào động mạch cổ, vì đã đi trong cơn bão về nhà. Có người thì bị thương vì vừa mở cửa ra xem thử "bão thế nào". Có người bị cây đè, nhà sập.

Khoảng hơn 9 giờ sáng, tôi theo canô của cơ quan chị họ tôi đi về đồn biên phòng 696, Sông Đốc. Nơi đây tôi mới cảm nhận được sự tàn khốc của thiên tai.

Trên khoảng sân rộng mênh mông của đồn, khoảng hơn 60 xác nạn nhân chết trong cơn bão, phần lớn là "ngư phủ". Đây chỉ mới là con số ban đầu số nạn nhân được đưa về. Đến chiều, các xác chết được đưa về đã hơn hơn 100 người.

Những xác chết, xạm đen đưới cái nắng ngột ngạt.

Quần áo họ rách nát vì bị va đập. Toàn thân và mặt bị xay xát đến không thể nhìn ra được họ là ai. Tất cả các xác bắt đầu có dấu hiệu bị "trương sình", mùi rất kinh khủng.

6 chiếc tàu hôm trước được trục vớt ngay sáng hôm sau, nhưng không còn ai sống sót. Có gần 1 nửa trong số họ không tìm được xác.

Những người phụ nữ từ các nơi đổ về lật mặt từng xác chết trong tiếng khóc nức nở, xem có phải là chồng, là con, là cha của mình không.

Trên bến đổ tàu, nhưng phụ nữ còn rất trẻ bồng con đứng nhìn hết lượt tàu này đến tàu khác về bến ngón tin chồng. Tôi nhìn trong mắt họ từ hy vọng đến thất vọng, rồi tuyệt vọng.

Chúng tôi chỉ có thể chia sẻ cùng họ một chút tấm lòng, giúp họ đỡ đói và có chỗ che mưa nắng. Nhưng không thể nào san sẻ được nỗi đau mà họ đang gánh chịu…

Nỗi đau đó, cho đến tận bây giờ, tôi, và những người dân Nam Bộ không thể nào nguôi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn