MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh chị Vi Thị Tình do chủ lao động cung cấp cho Cục Quản lý Lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Cơ quan chức năng đang tìm cách giải cứu

Trần Tuấn LDO | 21/04/2020 09:16
Sang Saudi Arabia khoảng 3 tháng, do chủ sử dụng vi phạm pháp luật bị cảnh sát bắt giam nên phía công ty môi giới đã chuyển lao động Vi Thị Tình trái phép cho chủ mới. Tại đây, chủ sử dụng lao động đã tịch thu điện thoại không cho chị Tình liên lạc về nhà...

Làm việc được 3 tháng rồi mất tích​

Tháng 5.2017, chị Vi Thị Tình (39 tuổi, xã Thanh Lâm, Như Xuân, Thanh Hóa) ký hợp đồng sang Saudi Arabia lao động thông qua Công ty (Cty) Cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát (trụ sở tại Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội) với mong muốn kiếm thêm thu nhập, phát triển kinh tế gia đình. Thời hạn hợp đồng làm việc 2 năm, với thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng.​ Sau khi xuất cảnh được 3 tháng, chị Tình gửi về cho gia đình khoảng 27 triệu đồng, sau đó mất tích đến tận bây giờ.​

“Gia đình chúng tôi tìm đủ mọi cách liên hệ với Tình nhưng đều không được. Em rể tôi là Lương Văn Kỳ nhiều lần đề nghị Cty Vĩnh Cát tìm tung tích Tình nhưng họ chỉ hứa hẹn” - chị Vi Thị L, chị ruột của lao động Vi Thị Tình, nói với phóng viên.​

Trong suốt khoảng thời gian sau đó, gia đình chị L sống trong bất an vì không biết em gái sống chết ra sao.​ Tình cảnh gia đình càng túng quẫn hơn khi cuối tháng 11.2019, do bệnh tật không có tiền chạy chữa, anh Lương Văn Kỳ - chồng chị Vi Thị Tình - đã qua đời để lại 2 con nhỏ bơ vơ.​ “Hai con nhỏ của Tình hiện đã phải bỏ học, cuộc sống lay lắt từ khi bố mất, còn mẹ ở nước ngoài chưa biết sống chết thế nào” - chị L nghẹn ngào.​

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đình Huấn - Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm (Như Xuân, Thanh Hoá) - cho hay, gia đình lao động Vi Thị Tình là hộ nghèo trên địa bàn nên chị này phải đi xuất khẩu lao động. ​“Sau khi chồng chị Tình mất, hai con phải bỏ học, mưu sinh sớm. Chính quyền xã nhiều lần xuống nhà hỏi thăm nhưng giờ đều không liên lạc được với chị Tình ở nước ngoài. Hiện, gia đình chỉ còn một mẹ già đang ốm yếu ở nhà” - ông Huấn nói.​

Chủ mới không cho liên lạc về

Sau khi nhận được phản ánh của gia đình chị Vi Thị Tình, phóng viên Báo Lao Động đã vào cuộc tìm hiểu.​ Theo đó, trong văn bản báo cáo gửi về Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) ngày 20.3.2020, Cty cổ phần Đầu tư Vĩnh Cát đã có trình bày cụ thể về trường hợp của lao động Vi Thị Tình.​ Theo báo cáo này, sau khi lao động Vi Thị Tình sang Saudi Arabia làm việc được một thời gian, người chủ hợp pháp của lao động này vi phạm pháp luật và phải đi tù.​ Sau đó, lao động được chuyển cho chủ mới. Tại đây, chủ sử dụng lao động đã tịch thu điện thoại không cho lao động liên lạc về nhà. ​

“Hiện tại, lao động đã quá hợp đồng 8 tháng nhưng chủ sử dụng không làm thủ tục cho lao động hồi hương, thậm chí còn giữ lương của lao động. Cty đã có văn bản khiếu nại lên Bộ Lao động Saudi Arabia nhưng chỉ nhận được sự hứa hẹn, trong khi chủ lao động bất hợp tác. Sự việc vượt ra ngoài khả năng can thiệp của Cty” - Cty Vĩnh Cát cho biết.​

Trao đổi với phóng viên, bà Trần Thị Vân Hà - Trưởng phòng Thông tin và truyền thông, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho hay, vì tính chất vụ việc phức tạp, Ban Quản lý lao động Việt Nam cùng với Đại sứ quán Việt Nam tại Saudi Arabia phải nhờ đến sự trợ giúp của cảnh sát nước này mới xác minh được địa điểm, nơi ở của chủ sử dụng mới của lao động Vi Thị Tình.

​“Do pháp luật của Saudi Arabia phức tạp nên quá trình xử lý mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang cố hết sức để giải cứu lao động trở về an toàn” - bà Hà khẳng định.​

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn