MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh gián Đức đang đẻ trứng. Ảnh: Cục BVTV cung cấp từ ảnh của James Castner (ĐH Florida)

Cơ quan kiểm dịch thực vật nói gì về loài gián Đức đang hoành hành?

Kh.V LDO | 03/06/2019 12:01
Gần đây, các phương tiện truyền thông nói nhiều về loại gián “du nhập” từ Đức vào Việt Nam, đang hoành hành tại các chung cư và rất khó diệt. Thế nhưng, Cục Bảo vệ Thực vật nghi ngờ về nguồn gốc loài gián này.

Gián Đức có nguồn gốc tại Đông Nam Á

Trao đổi với PV Báo Lao Động sáng 3.6, ông Lê Sơn Hà – Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật – Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết: Tại Việt Nam chưa có bất kỳ tài liệu  nào nói về loại gián này. Tuy mang tên là gián Đức, nhưng không có cơ sở để khẳng định loài gián này có nguồn gốc từ Đức.

“Một số tài liệu, bài báo nước ngoài cho rằng loài gián này có nguồn gốc ở Đông Nam Á. Thông tin này khá thuyết phục bởi  căn cứ vào đặc điểm sinh học: Gián Đức không thể sống trong môi trường giá lạnh, chúng sẽ chết hoặc bỏ đi nếu nhà ở không có lò sưởi. Như vậy, khả năng loài gián này không phải từ Đức vào Việt Nam mà ngược lại, chúng từ Đông Nam Á du nhập sang các nước Châu Âu, trong đó có Đức” – ông Lê Sơn Hà nói.

Nghi ngờ loài sinh vật ngoại lai này từ Đức và du nhập vào Việt Nam qua các container hàng hóa (đặc biệt là hàng nông sản) từ nước ngoài (Đức - PV) vào Việt Nam, ông Lê Sơn Hà một lần nữa nhấn mạnh: Loài gián này sống dựa vào sinh hoạt của cộng đồng loài người, không sống trong các khu vực thiếu  sự hiện diện của con người, nên khả năng theo các container hàng là ít. Hơn nữa, như đã nói ở trên, thông tin gián Đức có nguồn gốc ở Đông Nam Á khá thuyết phục bởi loài gián này không sống được trong môi trường lạnh nếu không có lò sưởi.

Mặt khác, theo chuyên trang về dịch hại Pest Wiki, gián Đức ưa thích môi trường nóng và ẩm, nên khả năng cao loài gián này có nguồn gốc từ Đông Nam Á.

Tác hại đối với mùa màng, môi trường

Theo TS Lê Sơn Hà, gián Đức thích thức ăn thừa của con người, kể cả nguồn thức ăn đã ôi thiu. Chúng cũng không chê xác động vật thối rữa. Cũng như các loài gián khác, nơi ẩn nấp của chúng ẩm thấp, đặc biệt là các cống rãnh bẩn thỉu, nên bản thân con gián này mang nhiều vi khuẩn, là vật trung gian truyền bệnh, đặc biệt là vi khuẩn E. coli, Salmonella, Shigella…

Tuy nhiên, “chưa có có tài liệu nào nói rằng loài gián này gây hại mùa màng, bởi chúng không sống ngoài đồng ruộng, không cắn cây trồng để làm thức ăn. Nhưng với đặc điểm thích sống nơi cống rãnh, các xó xỉnh bẩn thỉu, ô nhiễm, gián Đức có thể gây nhiều bệnh cho con người, đặc biệt là các ệnh truyền nhiễm…

“Không có tài liệu nói về vòng đời của loài gián này, nhưng cho biết trong vòng 100 ngày 1 con gián được sinh ra và hoàn tất 1 chu kỳ sinh sản”-TS Lê Sơn Hà cho biết.

Gián Đức có mặt từ lâu tại Việt Nam. Bản thân PV viết bài này đã từng nhìn thấy gián Đức xuất hiện cách đây 35 năm, tại các khu vực chăn nuôi tại TP.Vinh, Nghệ An. Ban đêm loài gián này tìm ăn thức ăn thừa của vật nuôi. Loài gián mà PV nhìn thấy ở Nghệ An có chiều dài, màu sắc, đặc điểm cơ thể hoàn toàn giống với mô tả về gián Đức hiện nay. Đặc biệt, loài gián này bay rất nhanh và khỏe, thân thể nhỏ bé nên có thể ẩn nấp vào các khe kẽ, rất sợ người nên khó tiêu diệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn