MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở y tế cần đầy đủ thiết bị, máy móc để phục vụ chữa trị cho người bệnh. Ảnh: Trần Hà

Cơ sở y tế vẫn kêu khó trong mua sắm thuốc, vật tư

Lệ Hà LDO | 23/03/2024 07:01

Từ đầu năm 2024, việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế được thực hiện theo Luật Đấu thầu năm 2023 có hiệu lực từ ngày 1.1.2024 đã phần nào giải quyết tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế. Tuy nhiên, thời điểm này, vẫn còn cơ sở y tế kêu khó trong việc mua sắm, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế.

Giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế

Ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết: Nghị định số 24/2024/NĐ-CP ngày 27.2.2024 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu vừa được Chính phủ ban hành có những điểm mới để giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế.

Nghị định số 24 giải quyết đồng bộ, thống nhất những vướng mắc trong đấu thầu y tế; Khắc phục tình trạng thiếu thuốc đấu thầu tập trung; Quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Y tế và các trường hợp giám đốc bệnh viện được tự quyết định mua sắm mà không nhất thiết phải tổ chức đấu thầu…

Đơn cử, liên quan đến đấu thầu thuốc tập trung, để khắc phục tình trạng trước đây chỉ có 1 nhà thầu trúng thầu cung cấp thuốc với số lượng lớn, phạm vi giao hàng rộng dẫn đến một số trường hợp nhà thầu không đủ khả năng thực hiện hợp đồng, Nghị định 24 đã bổ sung quy định cho phép lựa chọn nhiều hơn 1 nhà thầu trúng thầu để nếu nhà thầu xếp hạng thứ nhất không còn khả năng cung cấp, chủ đầu tư được ký ngay hợp đồng với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.

Chủ đầu tư được mời thầu theo cách cho phép các nhà thầu được chào số lượng theo khả năng cung cấp của mình mà không nhất thiết phải chào theo đúng số lượng thuốc nêu trong hồ sơ mời thầu.

“Với cách thức mua sắm mới, đảm bảo tính minh bạch được thực hiện hoàn toàn trên mạng đấu thấu quốc gia sẽ đảm bảo tính kịp thời trong việc mua sắm. Ngoài ra, nghị định cũng đã có quy định chi tiết xử lý đối với trường hợp những thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung quốc gia nhưng chưa có kết quả đấu thầu tập trung hoặc đã đấu thầu nhưng chưa lựa chọn được nhà thầu trong khi các bệnh viện cần dùng thuốc thuộc danh mục đó thì cũng cơ chế để bệnh viện chủ động thực hiện mua sắm đảm bảo công tác khám chữa bệnh” - ông Hoàng Cương cho biết thêm.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai - cũng cho rằng: Nghị định 24 về đấu thầu mua sắm trong đó có những mục cụ thể về mua sắm trang thiết bị vật tư, đây là tháo gỡ quan trọng cho các cơ sở y tế.

Chẳng hạn, trước đây cần 3 báo giá khi làm báo giá kế hoạch nhưng nay không cần nhất thiết 3 báo giá. Hay Luật Đấu thầu cho phép nhà đầu tư có thể chọn xuất xứ hàng hoá ở các nước, khu vực vùng lãnh thổ. Từ đây nhà đầu tư có thể chọn thuốc, thiết bị theo nhu cầu, khả năng tài chính của cơ sở mình.

Hiện bệnh nhân đến khám sáng, chiều đã đủ các xét nghiệm cho người bệnh, tiết kiệm chi phí cho người bệnh.

Vẫn còn cơ sở y tế kêu khó trong việc mua sắm

TS.BS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) - cho rằng, Nghị định 24 giúp bệnh viện giải quyết khá nhiều vấn đề thực tế. Nghị định nói rõ quy trình đấu thầu gồm bao nhiêu bước, các bước phải làm thế nào, có sẵn biểu mẫu để triển khai đấu thầu… Nhưng trong nghị định lại ghi rõ, Bộ Y tế cần phải làm thêm một số bước như phân nhóm trang thiết bị, nhóm vật tư và nhóm thuốc, nhóm nào cần đấu thầu tập trung, nhóm nào cho các bệnh viện tự chủ.
Tại một bệnh viện ở Hà Nội, lãnh đạo bệnh viện cho biết, có thời điểm đầu năm 2024 bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật vẫn phải tự mua thuốc gây tê. Một trong những lý do là việc thủ tục đấu thầu thường bị trục trặc kéo dài, trong khi các đợt thầu trước đã hết, dẫn đến tình trạng thiếu.

Điều này dẫn đến có thời điểm bệnh nhân phải đi mua bên ngoài. Việc các thuốc quá rẻ, dẫn tới bệnh viện gọi thầu khó. Ví dụ thuốc gây tê cho nhổ răng vì quá rẻ nên không đơn vị nào đấu thầu.

Một số cơ sở y tế cũng lo ngại tính trung thực và chính xác của báo giá trang thiết bị, vật tư y tế mà các doanh nghiệp đưa ra. Bệnh viện phải mua giá cao, sau này khi thanh tra sẽ thành thất thoát tài sản.

Hiện Bộ Y tế và Bộ Kế hoạch Đầu tư đang xây dựng các thông tư hướng dẫn Nghị định 24 để các bệnh viện áp dụng trong mua sắm, đấu thầu. Nhiều bệnh viện vẫn đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn