MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vị trí và hướng đi của bão số 6 Nakri. Ảnh: NCHMF

Có thể gây mưa với lưu lượng 200-300mm

PHONG NGUYỄN LDO | 08/11/2019 05:00

Từ tối 7.11, bão số 6 Nakri bất ngờ quay đầu hướng vào đất liền Việt Nam. Dự báo cơn bão này sẽ đổ bộ vào các tỉnh thuộc khu vực từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, gây mưa lớn, ngập lụt. Các chuyên gia khí tượng thủy văn lo ngại về những nguy cơ thiên tai mà cơn bão số 6 gây ra, bởi các tỉnh miền Trung vừa chống chịu với cơn bão số 5 và hoàn lưu do cơn bão số 5 gây ra vẫn đang ảnh hưởng tại nhiều tỉnh.

Dự báo bão số 6 rất phức tạp, nguy hiểm

Theo ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia - chiều tối 7.11, bão số 6 bất ngờ quay đầu hướng vào đất liền nước ta. Khi quay hướng về phía đất liền của Việt Nam, bão số 6 Nakri liên tục thay đổi cường độ. Đặc biệt, khi quay về hướng Tây khả năng sẽ tăng cường độ mạnh cấp 11-12. Theo dự báo xa, bão số 6 đi vào đất liền có khả năng giảm cấp do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, khu vực ảnh hưởng từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, bão gây mưa tại khu vực từ Đà Nẵng tới Khánh Hòa và Tây Nguyên với lượng mưa 200-300mm. Dự báo bão số 6 đổ bộ các tỉnh Nam Trung Bộ vào ngày 10 và 11.11, nhưng gây mưa lớn ngay từ ngày 9.11. Theo đó, mưa to đến rất to khả năng cao sẽ tập trung trong khoảng thời gian từ đêm 9 đến hết ngày 11.11 ở khu vực các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên-Huế đến Phú Yên và phía Đông của hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum, với lượng mưa trong 1 ngày có thể đạt trên 100mm.

Được biết, hồi 13 giờ ngày 7.11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 117,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa) khoảng 390km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 130km tính từ tâm bão. Dự báo trong 24 giờ tới, bão hầu như ít dịch chuyển, sau đó có khả năng đổi hướng, di chuyển chậm về phía Tây và có khả năng mạnh thêm. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km. Đến 13 giờ ngày 10.11, vị trí tâm bão ở khoảng 13,3 độ Vĩ Bắc; 110,2 độ Kinh Đông, cách đất liền các tỉnh Quảng Ngãi-Khánh Hòa khoảng 110km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14.

Huy động 5.000 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng ứng phó

Theo Đại tá Trần Văn Đình - Trưởng Phòng Cứu hộ cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, hiện Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã huy động và duy trì gần 5.000 cán bộ, chiến sĩ và hơn 200 phương tiện ứng trực sẵn sàng khi có yêu cầu cứu nạn cứu hộ cứu nạn, tại địa phương đã tổ chức bắn pháo hiệu tại 18 điểm. Đến 6h00 ngày 7.11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 47.330 phương tiện với 243.063 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão, trong đó: Hoạt động trong khu vực giữa biển Đông: 136 tàu với 3.109 người; hoạt động ven bờ, các vùng biển khác và neo tại bến: 47.194 tàu với 239.954người; hơn 100.764 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được gia cố, bảo vệ.

Tại quần đảo Trường Sa, đã có hơn 120 tàu cá và hơn 1.200 ngư dân các địa phương từ Quảng Ngãi đến Phú Yên vào các âu tàu đảo Song Tử Tây, đảo Sinh Tồn. Bộ đội Hải quân đã cùng ngư dân chằng buộc tàu thuyền, đảm bảo an toàn về người và phương tiện trong bão. Tuy nhiên, hiện còn 3 tàu với 33 lao động của Quảng Ngãi đang neo dù tại phía Tây trường Sa, chưa liên lạc được (gồm các tàu: QNg 90503 có 11 lao động; QNg 95028 có 12 lao động; QNg 90575 có 10 lao động). Có 31 tàu với 170 lao động (Bình Định) hoạt động ở khu vực từ 09010’-11030’ Vĩ Bắc, 117000’-119030’ Kinh Đông cơ quan chức năng đã liên hệ với phía Philippines cho phép được vào tránh trú bão.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, công tác kiểm đếm và kêu gọi tàu cá của ngư dân trên biển đang được ngành chức năng, chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai, kiên quyết không để ngư dân ra biển khi có bão. Tại Phú Yên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương khẩn trương khắc phục các công trình bị sự cố, hư hỏng do bão số 5 gây ra, đồng thời triển khai phương án sẵn sàng ứng phó cơn bão số 6; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện, thủy lợi rà soát các phương án nhằm đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập. Đặc biệt, việc xả nước đón lũ phải thực hiện theo đúng quy định, hạn chế ngập lụt vùng hạ du.

Về tình hình hồ chứa, khu vực Bắc Trung Bộ dung tích bình quân đạt từ 70-85%, hiện còn 53 hồ chứa bị hư hỏng và 20 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp; Khu vực Nam Trung Bộ còn ở mức thấp, dung tích bình quân đạt từ 55%-75%, có 2 hồ đang xả: Định Bình, Hòn Lập (Bình Định), hiện còn 24 hồ chứa bị hư hỏng và 34 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp; Khu vực Tây Nguyên dung tích bình quân đạt từ 80%-90%, có 5 hồ đang xả: Đắk Uy (Kon Tum); Ayun Hạ, Ia MLá (Gia Lai); Ea Soup Thượng, Krông Buk Hạ (Đắk Lắk), hiện còn 41 hồ chứa bị hư hỏng và 23 hồ chứa đang sửa chữa, nâng cấp. L.V

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn