MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân quét mã QR code khi vào siêu thị Big C Thăng Long. Ảnh: Trần Tuấn.

Có thể sử dụng căn cước công dân quét mã QR code khi đến nhà hàng, siêu thị

Trần Tuấn LDO | 23/09/2021 20:01

Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì có thể sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã khai báo y tế khi đến nhà hàng, siêu thị, địa điểm công cộng...

Chiều 23.9, Sở Thông tin và truyền thông TP.Hà Nội cho biết, nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch, TP.Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR Code phục vụ công tác quản lý, truy vết.

Cụ thể, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... bắt buộc phải thực hiện tạo mã QR địa điểm tại địa chỉ https://qr.tokhaiyte.vn/ và kiểm soát người vào bằng việc quét mã QR.

Theo sở Thông tin và truyền thông TP.Hà Nội, công dân trên địa bàn bắt buộc phải thực hiện việc quét mã QR khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... Trường hợp công dân không có điện thoại thông minh thì sử dụng Căn cước công dân hoặc Thẻ bảo hiểm y tế có mã QR để quét mã. Thống nhất kích thước tối thiểu mã QR khi in ra như sau: đối với mã QR địa điểm: 15 x 15 centimet; đối với mã QR cá nhân: 5 x 5 centimet.

Hiện tại, các tổ chức, cá nhân sử dụng 04 ứng dụng: Bluezone, NCOVI, Vietnam Health Declaration (VHD), VNeID để tạo và quét mã QR.

 Người dân quét mã QR code khi vào siêu thị Aeon mall Hà Đông. Ảnh Trần Tuấn.

Chiều 22.9, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng đã yêu cầu cầu các quận, huyện phải triển khai nghiêm túc, tăng cường kiểm tra, giám sát, hậu kiểm, xử lý các trường hợp vi phạm; nhất là tại các trung tâm thương mại, các cửa hàng, dịch vụ trong trung tâm thương mại chỉ được hoạt động theo đúng danh mục tại Chỉ thị 22 và cần đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch, giữ khoảng cách, thực hiện 5K, phải có quét mã QR Code, cơ sở nào vi phạm kiên quyết yêu cầu dừng hoạt động.

Đồng thời, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quét mã QR Code phục vụ công tác quản lý, truy vết.

Muốn tạo điểm quét QR để quản lý thông tin người ra vào, cung cấp cho cơ quan chức năng trong trường hợp cần thiết thì cần thực hiện như sau:

a) Chủ địa điểm đăng ký để sử dụng được tính năng quét mã QR và quản lý được thông tin người ra vào.

Truy cập trang web https://qr.tokhaiyte.vn/ . Chọn mục “Đăng ký địa điểm” và nhập đầy đủ thông tin về địa điểm cần đăng ký:

- Tên địa điểm. Ví dụ: Quán café highland, Công ty TNHH ABC, Phòng khám đa khoa, Xe khách tuyến HN - HP 30A-043.23,..

- Thông tin về địa điểm: Tỉnh, Quận/Huyện, Xã

- Họ và tên người đăng ký. Ví dụ: Nguyễn Văn A

- Số điện thoại di động của người đăng ký. Ví dụ: 0912345678.

Sau khi đã điền đủ thông tin, chọn “Tiếp tục bước 2”

Điền mã OTP (là mã gồm 6 chữ số sẽ được gửi đến số điện thoại của người đăng ký) và chọn “Tiếp tục bước 3”.

Chọn (1) “Tải xuống Mã QR của Địa điểm” để lưu hình ảnh mã QR về máy tính và in để dán ở lối ra vào, sau đó chọn (2) “Quản lý địa điểm” để chuyển sang bước 2.

b) Chủ địa điểm yêu cầu khách ra vào xuất trình mã QR của mình để quét, ghi nhận lượt ra vào.

Người kiểm soát địa điểm mở ứng dụng Bluezone và chọn tính năng Kiểm tra mã QR

Chọn địa điểm kiểm soát (là nơi mà người kiểm soát đang đứng để tiến hành quét mã QR người ra vào)

Sau khi chọn địa điểm, người kiểm soát quét mã QR của người ra vào (có thể quét trực tiếp mã trên điện thoại, mã QR được in ra giấy, hoặc mã QR của thẻ Bảo hiểm y tế). Sau khi quét thành công, màn hình sẽ hiện ra thông tin của người ra vào (tên viết tắt) và tình trạng khai báo y tế.

c) In mã QR được cung cấp, dán ở lối ra vào để khách sử dụng điện thoại thông minh quét mã khi đi qua.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn