MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Tiềm năng cho vay tiêu dùng đang rất lớn. Ảnh: Hải Nguyễn

Cởi mở cho vay tiêu dùng để chặn "vòi" tín dụng đen

ĐÌNH TRƯỜNG LDO | 10/11/2021 09:29

Tiềm năng cho vay tiêu dùng tại Việt Nam đang rất lớn, đặc biệt trong bối cảnh sức mua dự báo sẽ tăng cao khi các địa phương chuyển sang giai đoạn sống thích ứng với dịch bệnh. Để đẩy mạnh cấp tín dụng tiêu dùng qua kênh chính thống, các chuyên gia cho rằng, cần có những điều kiện cởi mở hơn, tạo thuận lợi cho người dân, đồng thời, ngăn chặn sự nở rộ của các hình thức tín dụng đen.  

Nhu cầu vay tiêu dùng lớn

Để có thể mua một chiếc máy tính phục vụ nhu cầu học online của các con, chị Nguyễn Thị Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) có ý định vay thêm 10 triệu đồng khi trong tay đã có 5 triệu đồng. Trung bình mỗi tháng chị chỉ cần chi trả chưa tới 900.000 đồng, khoảng 1 năm chị sẽ trả hết số nợ vay.

“Thời buổi dịch bệnh, để tích lũy đủ tiền mua máy tính sẽ rất lâu, ảnh hưởng đến việc học tập của các con. Việc mua trả góp sẽ giúp các con có phương tiện học tập tốt, đồng thời số tiền hằng tháng chi trả cũng nằm trong khả năng tài chính của gia đình, nên tôi thấy rất hợp lý”, chị Nguyễn Thị Minh chia sẻ.

Tương tự như chị Minh, anh Nguyễn Văn Lợi (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng có nhu cầu vay tiêu dùng khoảng 20 triệu đồng để phục vụ chi phí sinh hoạt trong gia đình. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thu nhập của gia đình anh Lợi giảm một nửa nên hình thức này giúp anh đảm bảo được chi phí thuê nhà, sinh hoạt và cả tiền học phí cho các con.

Tuy nhiên, theo anh Lợi việc tiếp cận với các khoản vay tiêu dùng hiện không phải đơn giản. “Một số ngân hàng cho vay cá nhân với mức lãi suất cao, nằm ngoài khả năng của tôi, một số lại yêu cầu những điều kiện kèm theo phức tạp, ví dụ như phải có khoản tiền gửi tiết kiệm online…”, anh Lợi cho biết.  

Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, nhu cầu vay tiêu dùng như trường hợp của chị Minh, anh Lợi không phải là hiếm. Theo ghi nhận của PV, một số cửa hàng điện máy, thiết bị điện tử trên địa bàn Hà Nội có kết hợp với công ty tài chính, cho vay trả góp 0 đồng, trung bình sẽ có khoảng 50 - 60 người vay mỗi tháng.

Dịch vụ cho vay tiêu dùng chủ yếu là hình thức vay mua đồ điện tử, gia dụng, xe cộ, hoặc vay tiền mặt… Ngoài ra, nhiều người cũng tiếp cận đến các hình thức cho vay mới như chăm sóc sức khỏe, chi phí học tập hay thẻ tín dụng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong vòng 10 năm qua, tăng tưởng tín dụng tiêu dùng luôn ở mức cao hơn so với tăng trưởng dư nợ tín dụng của toàn nền kinh tế. Trong giai đoạn 2010 - 2020, mức tăng trưởng bình quân của tín dụng tiêu dùng là 33,7%, trong khi mức tăng trưởng dư nợ tín dụng bình quân toàn nền kinh tế chỉ đạt 17,3%. Đến cuối năm 2020, dư nợ cho vay tiêu dùng, phục vụ nhu cầu đời sống đạt 1,85 triệu tỉ đồng, chiếm trên 20% tổng dư nợ cho vay toàn nền kinh tế. Tính riêng nhóm các công ty tài chính cho vay tiêu dùng, dư nợ đạt khoảng 130.000 tỉ đồng, với hơn 30 triệu lượt khách hàng được phục vụ.

Với quy mô dân số gần 100 triệu người, 60% người dân có thu nhập thấp và trung bình, nhu cầu vay tiêu dùng ở Việt Nam vẫn còn rất lớn. Điều này được xem là cơ hội phát triển đối với các công ty tài chính tiêu dùng, song việc bảo vệ quyền lợi người vay, đẩy lùi tín dụng đen cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ. 

Cần những điều kiện cởi mở hơn

Thống kê từ một hội thảo tín dụng gần đây cho thấy, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền nhưng chỉ 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng và các tổ chức tài chính chính thức, phần còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng đen.

Mới đây, Báo Lao Động cũng có loạt bài phản ánh mô hình vay qua ứng dụng (app), website trực tuyến vẫn đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Những app vay gây phẫn nộ trong một thời gian dài với cách thức hoạt động vô tội vạ, phương thức đòi nợ kiểu khủng bố. Nhiều bên cho vay với lãi suất từ 500-720%/năm; bêu tên người vay và người thân của họ như truy nã. Có người từ vay 1 app, chỉ sau vài tháng đã thành vay tới hàng chục app khác nhau. 

TS Nguyễn Hoàng Vĩnh Lộc - chuyên gia tài chính, ngân hàng - cho rằng, đứng ở góc độ xã hội, việc các tổ chức tín dụng phát triển tín dụng tiêu dùng bằng cách đơn giản hóa thủ tục vay vốn, xét duyệt online trong vòng vài giờ, chấp nhận cho vay những nhu cầu mang tính cấp bách như chữa bệnh, đóng học phí,… sẽ có tác dụng đáng kể trong việc đẩy lùi tín dụng đen. 

Về mặt giải pháp, chuyên gia khuyến nghị, tổ chức tín dụng có thể không yêu cầu người vay phải chứng minh bằng xác nhận thu nhập mà chỉ cần kê khai nghề nghiệp, số năm làm việc và mức thu nhập hiện tại qua tin nhắn để các chuyên viên tín dụng thẩm định và kiểm chứng. Đồng thời, các tổ chức tín dụng cần minh bạch hóa về phương pháp tính lãi trong từng sản phẩm, tăng cường ứng dụng công nghệ nhận dạng người vay trong khâu xét duyệt và giải ngân. 

Nhìn ra quốc tế, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực đưa ra số liệu cho thấy, tại Việt Nam, dù phát triển nhanh nhưng tín dụng tiêu dùng vẫn chỉ chiếm khoảng 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Nếu so với các nước nước trong khu vực như Malaysia (15%), Thái Lan (17%), Indonesia (22,7%), Hàn Quốc (35%) thì tỉ lệ ở Việt Nam còn quá nhỏ. Đây cũng là chỉ số nêu lên dư địa phát triển cho lĩnh vực này vẫn còn rất nhiều cho các ngân hàng, công ty tài chính.

Theo đó, TS Cấn Văn Lực cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các  công ty tài chính, tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn