MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dinh tỉnh trưởng Gò Công bị hư hỏng trong cơn bão năm 1904.

Cơn bão năm Giáp Thìn và lời nhắc 104 năm

Kỳ Quan LDO | 25/11/2018 11:29
Mặc dù theo dự báo bão số 9 (Ugasi) sẽ không đổ bộ trực tiếp vào vùng Tây Nam bộ, nhưng các tỉnh Long An, Tiền Giang và Bến Tre đã thực hiện nhiều biện pháp để chủ động ứng phó với bão. Lịch sử đã để lại cho vùng đất này một lời nhắc không được chủ quan với bão!

Ngay từ ngày 23.11, UBND tỉnh Long An đã có công điện khẩn chỉ đạo các sở ban ngành, các địa phương chủ động, kịp thời ứng phó với bão số 9, mưa lũ, triều cường. Theo công điện, các ngành, địa phương cần hướng dẫn người dân tổ chức chằng chống nhà cửa vững chắc và chuẩn bị kế hoạch sơ tán, di dời dân tại những khu vực có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn, nhất là các huyện phía Nam gần cửa sông như Cần Đước, Cần Giuộc.

Tại tỉnh Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hương đã thức thâu đêm 24.11 để đi kiểm tra các điểm xung yếu nhằm chủ động ứng phó với cơn bão số 9. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị có liên quan phải tổ chức trực 24/24 giờ, đồng thời thực hiện những giải pháp khẩn cấp chống bão.

Tỉnh Bến Tre cũng đã sớm triển khai thực hiện phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng” trong công tác phòng tránh, ứng phó bão; rà soát, chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch, phương án, đặc biệt là phương án di dời, sơ tán dân khi có tình huống khẩn cấp.

Đã hơn 100 năm qua, người dân Long An, Tiền Giang (và TPHCM) chưa từng nếm trải hậu quả gì đáng kể của bão. Ngay cả khi cơn bão số 5 (bão Linda) năm 1997 gây thiệt hại rất nặng nề nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thì vùng đất Long An, Tiền Giang vẫn không bị thiệt hại gì đáng kể.

Lùi xa hơn, cách đây 104 năm, vào năm Giáp Thìn 1904, người dân Long An, Tiền Giang và Sài Gòn – Chợ Lớn khi ấy đã từng gánh chịu hậu quả của bão, thảm khốc hơn rất nhiều so với những cơn bão sau này. Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, cơn bão số 1 năm 1904 kèm theo sóng thần đã đổ bộ vào vùng đất Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), rồi lan rộng ra các vùng chung quanh như Long An, Mỹ Tho, Bến Tre, Sài Gòn...

Đường phố Sài Gòn trong con bão năm Giáp Thìn. Ảnh: TL.

Cơn bão năm 1904 đã làm hàng trăm ngàn ngôi nhà bị sập hoặc bị nước cuốn trôi, hàng ngàn người chết. Riêng ở 2 tỉnh Tiền Giang và Long An có hàng chục ngàn ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, hàng ngàn người chết. Đến thập niên 1950, nhiều xóm ấp ở Long An, Tiền Giang vẫn còn tổ chức “giỗ hội” những người chết trong cơn bão vào năm Giáp Thìn vào ngày 16.3 âm lịch. Cảnh “giỗ hội” đã đi vào ca dao: “Tháng ba, mười sáu lai niên/ Cũng trùng một bữa, đậu tiền cúng chung”.

Cuộc sống đã phát triển, tiến bộ hơn rất nhiều, phương tiện dự báo thiên tai ngày càng hiện đại, giúp chúng ta biết trước những rủi ro có thể xảy đến. Nhờ vậy mà thiệt hại từ gió bão ngày càng nhẹ đi. Dù vậy, người dân Long An, Tiền Giang nói riêng, cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, không bao giờ được lơ là, chủ quan, dù vùng này rất hiếm khi có bão. Cuộc “diễn tập” ứng phó với cơn bão số 9 năm 2018 hoàn toàn không thừa!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn