MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động phản ánh Công ty CP Tập đoàn Haprosimex nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ 488 công nhân. Ảnh: Hà Anh

Con đã 5 tuổi, mẹ vẫn chưa được nhận tiền thai sản

Hà Anh LDO | 04/03/2023 06:23

Ngày 2.3, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, bà Nguyễn Thị Huyền - Quản đốc phân xưởng may, Nhà máy dệt kim Haprosimex (Khu công nghiệp Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) thuộc Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex - cho biết, công ty nợ lương từ tháng 1.2017 và nợ BHXH từ tháng 7.2011 của toàn bộ 488 anh chị em người lao động.

2 trường hợp người lao động tử vong, gia đình vẫn chưa nhận được tiền tử tuất

Bà Nguyễn Thị Huyền cho biết, hiện nay, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex đã được bán cho một đơn vị khác. Người lao động đã nhiều lần tìm gặp lãnh đạo mới của công ty nhưng không được, do đó mọi quyền lợi về lương, chế độ BHXH đều bị “treo”. 

“Giờ đây người lao động rất bế tắc trong việc làm cũng như cuộc sống. Bởi mặc dù chúng tôi đều có tay nghề nhưng do không được đóng, chốt BHXH; công ty không có quyết định chấm dứt hợp đồng lao động… nên dẫn tới người lao động không thể ký hợp đồng với công ty khác, nhiều người phải làm thời vụ với thu nhập thấp. Đặc biệt, do công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản - mặc dù con của họ đã lớn; có 2 trường hợp người lao động chẳng may tử vong nhưng đến thời điểm hiện nay gia đình họ cũng chưa nhận được chế độ tử tuất” - bà Huyền cho hay.

Theo bà Huyền, hiện tại có khoảng hơn 80 lao động (nam, nữ) chưa nhận được tiền thai sản, ốm đau với số tiền hơn 469 triệu đồng; đặc biệt, công ty còn nợ lương người lao động hơn 3,3 tỉ đồng và nợ BHXH, BHYT… đến nay là khoảng 20 tỉ đồng (cả lãi). 

Cùng với các đồng nghiệp đi đòi quyền lợi, chị Nguyễn Thị Nhung - công nhân xưởng dệt Nhà máy dệt kim Haprosimex bức xúc cho biết, chị làm ở nhà máy từ tháng 8.2010; năm 2017, chị sinh con thứ 2, sau khi nghỉ chế độ thai sản 6 tháng, thì lãnh đạo công ty báo là không cần lao động do đó chị phải ở nhà. Trong khi đó, công ty nợ lương nhiều tháng từ năm 2016 đến năm 2017 là hơn 29 triệu đồng tiền lương. Đặc biệt, tiền chế độ thai sản chị Nhung không được nhận bởi công ty không đóng BHXH, BHYT; hiện nay sổ BHXH công ty vẫn giữ nên chị không thể đi xin việc chỗ khác!

“Con tôi hiện đã 5 tuổi, nhưng tôi vẫn chưa nhận được tiền chế độ thai sản. Trong khi đó, tôi bị nợ lương, không việc làm, quyền lợi chế độ BHXH, BHYT thì không được hưởng dẫn đến đời sống gặp rất nhiều khó khăn” - chị Nhung ngậm ngùi nói.

Một nữ công nhân cho biết, năm 2017 chị bị lãnh đạo công ty yêu cầu rời khỏi nhà máy và đến nay chị cũng chưa có thông báo thôi việc hay chưa có giấy tờ gì liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty. Qua tìm hiểu, chị được biết công ty đã được bán cho chủ mới và bán hết toàn bộ máy móc tại 3 phân xưởng dệt, nhuộm, may. Mặc dù ban lãnh đạo công ty có hứa sau khi bán máy móc sẽ có tiền trả nợ lương và đóng BHXH cho người lao động. Nhưng đến nay ban lãnh đạo quanh co, nhiều lý do... trì hoãn việc trả lương và đóng BHXH cho người lao động.

Lãnh đạo công ty trây ỳ

Chiều 2.3, bà Hoàng Thị Thu Hồng - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Hà Nội - cho biết, tháng 5.2018, Công đoàn ngành Dệt May Hà Nội đã nhận được đơn cầu cứu của tập thể người lao động Nhà máy dệt kim Haprosimex. Nội dung đơn phản ánh việc Công ty cổ phần tập đoàn Haprosimex đã không bố trí việc làm, nợ lương của người lao động, người lao động không được hưởng đầy đủ chế độ thai sản, ốm đau…  

“Sau khi nhận được đơn của người lao động, Công đoàn ngành đã trực tiếp làm việc với Ban Chấp hành Công đoàn công ty nắm bắt tình hình người lao động. Công đoàn ngành Dệt - May đã chỉ đạo Công đoàn Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex phải phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty cổ phần tìm phương án giải quyết việc nợ lương và BHXH để đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo đúng quy định của pháp luật. Riêng đối với số tiền nợ thai sản, ốm đau, Công đoàn ngành đề nghị công ty phối hợp với BHXH huyện Gia Lâm (Hà Nội) để khắc phục và chi trả cho người lao động… Tuy nhiên, từ đó đến nay, lãnh đạo Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex không thực hiện” - Phó Chủ tịch Công đoàn Dệt may Hà Nội cho biết. 

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Lao Động, Công ty cổ phần Tập đoàn Haprosimex tiền thân là Liên hiệp các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp Hà Nội thành lập năm 1993. Tháng 2.2017, công ty tiến hành cổ phần hóa khi bán đấu giá gần 4 triệu cổ phần ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX). Tuy nhiên, chỉ có 2 cá nhân mua 0,78% số lượng cổ phần trên. Sau đó Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã mua lại số cổ phần không bán hết và nắm giữ hơn 90% vốn điều lệ của Haprosimex.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn