MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Nguyễn Thị Hạt (74 tuổi) dìu mẹ già là cụ Nguyễn Thị Cơ (122 tuổi).

Con gái 74 tuổi nuôi mẹ già 122 tuổi, mừng vì vẫn còn mẹ để chăm sóc

Ngọc Anh - Nhật Huy LDO | 30/11/2023 21:59

“Mẹ tôi lúc ngoài 90 còn thỉnh thoảng ra vườn trồng rau, đi loanh quanh trong làng. Ngoài bệnh tuổi già, mẹ tôi không mắc bệnh nặng nào” - bà Nguyễn Thị Hạt (74 tuổi) hiện sống cùng mẹ già Nguyễn Thị Cơ (122 tuổi) chia sẻ.

122 tuổi nhưng tóc vẫn còn đen, răng rụng lại mọc

Đến thôn Phạm Khê (xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương), không ai là không biết đến cụ bà Nguyễn Thị Cơ 122 tuổi, hiện là người cao tuổi nhất tỉnh Hải Dương.

Ở tuổi "vạn thọ", nhưng cụ Cơ khiến nhiều người ngạc nhiên vì tóc vẫn còn đen, răng rụng lại mọc đến bây giờ. Dù chân chậm, đôi mắt lòa, nhưng cụ vẫn minh mẫn, tai còn nghe rõ và có thể phân biệt người đối diện qua giọng nói.

Cụ Nguyễn Thị Cơ (122 tuổi, thôn Phạm Khê, xã Cao Thắng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương)

Xét theo năm sinh ghi trên căn cước công dân, cụ Nguyễn Thị Cơ sinh năm 1901, nguyên quán xã Đoàn Đào, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên. Sau này, cụ lập gia đình rồi mới chuyển về thôn Phạm Khê.

“Tôi cũng thấy kỳ lạ, trong khi tóc tôi còn bạc đầy đầu nhưng tóc cụ vẫn đen nhánh, mọc dài tự nhiên. Để dễ dàng vệ sinh, tôi mới cắt ngắn cho sạch sẽ.

Răng cũ rụng, có răng mới chèn ngay vị trí cũ. Tôi để ý cụ từ nhiều năm trước, lúc ấy cụ còn khoẻ, không bao giờ thấy cụ kêu rụng răng”, bà Hạt kể.

Cụ Nguyễn Thị Cơ và con gái là bà Nguyễn Thị Hạt (74 tuổi).

Ai mà không biết, khó có thể nghĩ cụ Cơ đã hơn 100 tuổi.

Từ ngày mẹ không thể tự đi lại, nhà chỉ có 2 mẹ con, nên bà Hạt đành bỏ công việc đồng áng. Ở nhà chăm mẹ, bà hầu như không đêm nào được ngon giấc, bởi người già thường hay đi vệ sinh. Thương mẹ, con gái không dám rời nửa bước, bởi lo cụ vấp ngã, nguy hiểm.

Bà Hạt cũng cảm thấy may mắn, vì ngoài bệnh tuổi già, mẹ mình không mắc thêm bệnh nặng nào khác.

"Tôi mừng vì vẫn còn mẹ để chăm sóc"

Hai mẹ con bà Hạt là một trong nhiều hộ nghèo đặc biệt của thôn.

Con gái cụ Cơ kể: “Mẹ tôi là vợ hai, sinh ra 2 chị gái em tôi, chị gái tôi là bà Nguyễn Thị Tràng (75 tuổi) được cụ sinh khi đã 47 tuổi. Nhà chủ yếu làm nông, thi thoảng nuôi thêm gà để có cái ăn, nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn".

Mấy chục năm ròng, hai mẹ con cứ thế sống nương tựa vào nhau trong căn nhà được xây dựng từ năm 1982. Có lần mái nhà bất ngờ đổ sập, ngói suýt rơi trúng người. Cũng nhờ chính quyền và người thân hỗ trợ tu sửa, từ đó mới yên tâm để ở. Trong nhà hầu như không có đồ vật có giá trị; chiếc ti vi cũ người ta cho cũng không dùng vì sợ tốn kém.

Kinh tế trước đây của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào làm nông. Nên từ lúc bà Hạt ở nhà, không làm ra tiền, chỉ có thể sống dựa vào trợ cấp người cao tuổi hơn một triệu đồng/tháng của cụ Cơ.

Cuộc sống khó khăn là thế, bản thân cũng lớn tuổi, ấy vậy mà mỗi khi nhắc đến mẹ mình, người con gái đều thấy rất tự hào xen lẫn hạnh phúc.

“Dẫu vậy, tôi mừng vì vẫn còn mẹ để chăm sóc ở cái tuổi xế chiều này. Mẹ tôi sống được đến cái tuổi này là phúc đức của gia đình, chúng tôi mong cụ sống vui khoẻ với con cháu” - bà Hạt trải lòng.

Liên quan đến gia đình cụ Cơ, ông Trần Mạnh Nhường - Chủ tịch xã Cao Thắng (huyện Thanh Miện) - cho biết, nếu xét theo năm sinh ghi trên căn cước công dân, cụ Cơ là người cao tuổi nhất xã. Ngoài ra, gia đình cụ thuộc diện hộ nghèo đã nhiều năm nay vì nhà có 2 mẹ con sống nương tựa vào nhau nhờ tiền phụ cấp cho người cao tuổi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn