MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều đang trên đỉnh lịch sử. Ảnh: Việt Anh

Cơn sốt vàng tiếp tục nóng, thị trường ngóng chờ sửa đổi Nghị định 24

Đức Mạnh LDO | 10/04/2024 06:43

Giá vàng thế giới và trong nước đang đua nhau phá đỉnh. Việc sửa đổi Nghị định 24 để ổn định thị trường vàng trong bối cảnh mới đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết.

Vàng liên tục tăng giá trên thị trường thế giới khi tiếp tục chinh phục đỉnh cao mới trên 2.345 USD/ounce. Thông thường biến động mọi loại hàng hóa sẽ theo cung cầu. Kim loại quý cũng không ngoại lệ khi nhu cầu mua vào sôi động trong thời gian qua từ các "tay to".

Nổi lên trong đó là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc khi mua 12 tấn trong tháng 2. Tính cả tháng 2, dự trữ vàng của PBoC đã tăng 16 tháng liên tiếp và đây chưa phải khách hàng chịu chi nhất. Ngân hàng Quốc gia Czech kéo dài đợt mua vàng lên 12 tháng liên tiếp, qua đó nâng lượng vàng nắm giữ lên 34 tấn, tăng hơn 183% so với cuối tháng 2.2023. Các ngân hàng trung ương tại các quốc gia khác như Singapore, Kazakhstan, Ấn Độ cũng đẩy mạnh tích trữ kim loại quý này.

Lý giải về động thái này, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, các quốc gia đã nhận thấy được tầm quan trọng của vàng trong việc ứng phó với khủng hoảng, khả năng lưu trữ giá trị và đa dạng hóa danh mục tài sản. Ngoài ra, năm 2024, thế giới dường như vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn kinh tế chính trị cũng giúp hầm trú ẩn an toàn là vàng trở nên lấp lánh.

Cùng chiều với thế giới, vàng trong nước cũng tăng chóng mặt. Trong ngày 9.4, giá vàng miếng SJC đã lần đầu chạm tới mức kỷ lục chưa từng có là 83,5 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn 9999 cũng xác lập đỉnh mới. Tại DOJI, giá bán vàng nhẫn 9999 đạt 75,4 triệu đồng/lượng, mua vào ở mức 73,9 triệu đồng/lượng. Nếu tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng tới hơn 10 triệu đồng/lượng, đem lại tỉ suất lợi nhuận đầy hấp dẫn.

Điều đáng nói, cơn sốt vàng diễn ra trong bối cảnh đã qua quý I nhưng vẫn chưa thấy NHNN thông tin về điều chỉnh Nghị định 24 quản lý thị trường vàng như yêu cầu của Chính phủ. Trong đó, đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện được đánh giá cao.

PGS.TS Nguyễn Thị Mùi - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài khóa tiền tệ quốc gia - nhấn mạnh - nếu bỏ độc quyền từ 6 tháng hay 1 năm trước thì thị trường vàng đã không hỗn loạn như hiện nay. Khi nguồn cung quá thấp mà lực cầu lớn sẽ dẫn đến tình trạng đó. "Khi Ngân hàng Nhà nước không nhập khẩu vàng mà vẫn có vàng sản xuất thì rõ ràng đó là nhập lậu, từ đó dẫn đến tuồn ngoại tệ ra nước ngoài thông qua kênh này. Vàng nên phân ra thành vàng có yếu tố tiền tệ và vàng là hàng hoá thông thường. NHNN chỉ quản lý vàng có yếu tố tiền tệ là hợp lý và hiệu quả" - bà Mùi khuyến nghị.

Trong diễn biến mới nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương trong đó tiếp tục yêu cầu NHNN khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn