MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Phạm Đình Đam làm công việc bảo vệ đã hơn 26 năm nay. Với ông, làm đến bao giờ không còn đủ sức mới tính đến chuyện nghỉ ngơi. Ảnh: Phương Hân

Còn sức khoẻ, còn làm việc

Bảo Hân - Minh Phương LDO | 29/12/2021 11:48
Ở độ tuổi có thể nghỉ ngơi, quây quần bên con cháu nhưng nhiều lao động cao tuổi vẫn lựa chọn sớm hôm kiếm thêm thu nhập. Vì với họ, còn sức khoẻ, còn lao động.

Không cần biết làm đến bao nhiêu tuổi

“Tầm tuổi này, tôi cũng muốn được nghỉ ngơi lắm chứ. Nhưng điều kiện chưa cho phép nên vẫn đi làm xa nhà” - ông Phạm Đình Đam (sinh năm 1964, quê Nam Định) chia sẻ, khi chúng tôi hỏi về việc đi làm khi tuổi đã gần lục tuần.

Đi bộ đội từ năm 1979, đến năm 1983 ông Đam nhận chế độ rồi về quê nhà làm ruộng. Từ năm 1995, được bạn bè giới thiệu, ông lên Hà Nội xin làm bảo vệ với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng. Từ đó đến nay, ông Đam gắn với công việc làm nhân viên bảo vệ hơn 26 năm. Ông được công ty trả 4,8 triệu đồng/tháng. Số tiền này, ông gửi về cho vợ ở quê gần 3 triệu đồng mỗi tháng để chi tiêu, thuốc men.

Ngày nào cũng vậy, ông Đam bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, hầu như không có ngày nghỉ. Có 4 người con đều làm công nhân, đồng lương eo hẹp nên cuộc sống không dư giả nhiều. Vì không muốn phải nương nhờ con cái, ông Đam chọn ở lại thành phố tiếp tục mưu sinh ròng rã mấy chục năm.

Ông Đam bảo, không cần biết đến bao nhiêu tuổi, miễn còn sức khoẻ ông vẫn tiếp tục lao động. “Tôi sẽ làm đến bao giờ không còn đủ sức mới nghỉ. Ở quê, những người cùng thời với tôi hầu hết đều lên thành phố kiếm việc, rất ít người có lương hưu cho tuổi già. Người thì làm thợ xây, người làm xe ôm, bảo vệ. Còn tôi, công việc có phần nhẹ nhàng hơn nhưng mỗi khi trái gió trở trời cũng muốn được nghỉ ngơi” - ông Đam nói.

Có lương hưu vẫn “cày cuốc”

Nhiều người dù đã đến tuổi về hưu, nhưng do vẫn muốn kiếm thêm tiền để trang trải cho cuộc sống, dành dụm phòng lúc ốm đau... nên họ vẫn tiếp tục đi làm những công việc tay chân với thu nhập ít ỏi.

Hơn 6 giờ sáng ngày 27.12, ông Trần Trung K (55 tuổi, xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) mới trở về nhà sau một đêm thức trắng làm công việc bảo vệ ở một công ty tại xã lân cận. Cố gắng chợp mắt cho đỡ mệt mỏi, đến 10 giờ, ông lại lụi cụi trở dậy chuẩn bị nấu ăn. Vợ ông, dù đã lớn tuổi, nhưng vẫn đang làm công nhân, 2 con đã lập gia đình hoặc đã đi làm ở xa, ông phải tự lo bữa cơm. Tháng 9.2021 vừa qua, ông K chính thức nhận sổ hưu. Về hưu sớm theo diện tinh giản biên chế, mức lương hưu ông được nhận là 2,9 triệu đồng/tháng.

“Lương hưu thấp, trong khi tôi cảm thấy sức khoẻ vẫn còn khá tốt, hơn nữa, ở nhà cũng buồn, nên tôi quyết định đi làm thêm” - ông K nói. Theo ông K, công việc làm bảo vệ tuy không quá vất vả, nhưng phải thức đêm.

Công ty chia làm 3 ca: Từ 6 giờ đến 14 giờ; 14 giờ đến 22 giờ và từ 22 giờ đến 6 giờ sáng hôm sau. Thời gian đầu, ông K cảm thấy khá mệt mỗi lần phải làm ca đêm. Nhưng sau đó, khi đã quen, ông cảm thấy bình thường. Thậm chí, đi làm, ông còn thấy vui hơn, thoải mái hơn khi có thêm thu nhập.

“Một tháng, công việc làm bảo vệ mang lại cho tôi 3 triệu đồng. Tôi gửi vợ 1 triệu đồng; giữ lại 2 triệu đồng để chi tiêu cá nhân. Ở quê nên ăn uống không tốn kém, tôi không phải chi tiêu nhiều.

“Ngoài ra, toàn bộ tiền lương hưu tôi đều gửi cho vợ” - ông K chia sẻ. Hai con đã trưởng thành, vợ chồng ông K không phải chu cấp hằng tháng, nhưng như ông K nói, ông vẫn phải hỗ trợ các con mỗi khi có việc lớn, như hỗ trợ mua xe máy, hay lo cưới xin cho con thứ 2.

“Nhưng điều quan trọng là hai vợ chồng tôi muốn có một khoản dành dụm để phòng những lúc ốm đau. Bây giờ mình còn khoẻ, nhưng không thể nói trước điều gì khi tuổi già…” - ông K tâm sự.

Không có lương hưu như ông K, ông T (cùng xã) vẫn đang đi làm nghề phu hồ khi đã 63 tuổi. Ông đi theo một “cai lao động” ở cùng xóm. Khi có việc, “cai lao động” này sẽ gọi ông đi để thi công những công trình dân dụng trong xã hoặc xã lân cận. Do đã có tuổi, nên ông được ưu tiên đi xách vữa, đảo bêtông ở dưới đất, không phải trèo cao, nên ông đỡ phần nào vất vả.

Trước đây, ông T có 9 năm phục vụ trong quân đội; 7 năm làm ở công ty thương nghiệp. Sau đó, vào năm 1990, ông “về một cục”, rồi ở quê làm nông và những công việc tay chân khác. Một ngày đi làm phu hồ, ông T được trả 200.000 đồng.

“Công việc tôi đang làm không ổn định, lúc có việc lúc không. Ngoài ra, công việc này cũng khá linh hoạt, nếu nhà có việc, tôi có thể xin nghỉ. Tháng nào làm đầy đặn, tôi được 20 “công” (1 ngày làm việc), được khoảng 4 triệu đồng. Tuy nhiên, có tháng chỉ có được vài “công”” - ông T kể.

Vợ ông có lương hưu, các con cũng đã trưởng thành, nhưng ông vẫn muốn đi làm để có thêm thu nhập, góp vào phần dành dụm của gia đình phòng những lúc “trái gió trở trời”. Ông T bảo, ông bị đau lưng, đau khớp, đau răng - những bệnh của tuổi già và do nhiều năm lao lực, nhưng ông vẫn muốn đi làm để có thêm thu nhập. Hơn nữa, ông còn cảm thấy khoẻ ra khi đi làm. Ở nhà quanh quẩn “con vịt con gà” thì sẽ cảm thấy buồn chán.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn