MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người vi phạm giao thông có thể đặt tiền bảo lãnh để khỏi bị tạm giữ xe. Ảnh: Chân Phúc

Công an TPHCM cho đặt tiền bảo lãnh để khỏi giam xe nhưng ít người lựa chọn

MINH QUÂN LDO | 18/01/2024 21:06

TPHCM – Cho người vi phạm giao thông đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện là một trong các giải pháp được Công an TPHCM áp dụng nhằm giảm bớt việc tạm giữ xe máy, hạn chế quá tải cho kho tang vật.

Thông tin trên được Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho biết tại buổi họp báo định kỳ về kinh tế - xã hội TPHCM chiều 18.1.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, để giảm số lượng phương tiện tạm giữ tại các kho tang vật, thời gian qua Công an TPHCM đã triển khai 3 giải pháp: cho đặt tiền bảo lãnh để tự bảo quản phương tiện; tạm giữ giấy tờ (đăng ký xe, đăng kiểm xe, bằng lái xe…); tăng cường xử lý tang vật, phương tiện (bằng hình thức tịch thu bán đấu giá).

Trong đó, biện pháp được áp dụng nhiều nhất là giữ giấy tờ thay cho tạm giữ phương tiện khi xử lý vi phạm hành chính.

Nhờ đó, trong năm 2023, Công an TPHCM đã tạm giữ trên 155.000 phương tiện các loại (1.537 ôtô, 153.493 mô tô, xe máy và 1.283 xe 3, 4 bánh). Nhưng hiện các kho của Công an TPHCM còn tạm giữ khoảng 32.000 phương tiện và công an các quận, huyện, TP Thủ Đức khoảng trên 20.000 phương tiện.

Tuy nhiên, đại diện Công an TPHCM cho biết, có những trường hợp khi kiểm tra buộc phải tạm giữ phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm.

“Vi phạm nồng độ cồn thì không thể giữ giấy tờ rồi tiếp tục cho lưu thông. Với trường hợp này, trong vòng 7 ngày người vi phạm có thể đến cơ quan chức năng để thay đổi biện pháp tạm giữ phương tiện” - Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM. Ảnh: Thành Nhân

Cũng theo đại diện Công an TPHCM, phương án đặt tiền để đảm bảo thay cho tạm giữ phương tiện ít được người dân lựa chọn. Nguyên nhân bởi nếu chọn cách này người dân phải đặt tiền ở mức phạt tối đa đối với hành vi vi phạm.

“Ví dụ vi phạm trong mức phạt từ 30 – 40 triệu đồng thì phải đặt bảo lãnh 40 triệu đồng. Sau khi có quyết định xử phạt thì người dân lên nhận lại số tiền còn dư nhưng thủ tục rất phiền” – Thượng tá Lê Mạnh Hà nói.

Về xử lý tang vật vi phạm, năm 2023, Công an TPHCM đã tịch thu, bán đấu giá 27.571 phương tiện. Trong đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã lập hồ sơ tịch thu, đấu giá 6 đợt với 19.105 phương tiện.

Tuy vậy, Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, để bán đấu giá tang vật, phương tiện bị tạm giữ, Công an TPHCM phải thực hiện nhiều bước theo quy định của pháp luật khiến tốn rất nhiều thời gian.

Theo quy trình, các lực lượng sẽ tổ chức xác minh, giám định số khung, số máy phương tiện; đăng báo tìm chủ sở hữu; lập phương án xử lý tang vật, phương tiện bị tịch thu báo cáo về Bộ Công an, sau đó Công an TPHCM ra quyết định phê duyệt phương án cho bán đấu giá. Cuối cùng là tổ chức các bước bán đấu giá tài sản theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn