MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an TPHCM nỗ lực hỗ trợ người dân

Công an TPHCM nỗ lực hỗ trợ người dân

Minh Tâm LDO | 19/08/2024 08:00

TPHCM - Những nỗ lực của Công an TPHCM khi cấp thẻ căn cước, hỗ trợ người yếu thế… làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sĩ "vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Lấy ADN người thân để xác định danh tính liệt sĩ

Sức khỏe suy kiệt sau 25 đợt hóa trị ung thư trực tràng, nhưng bà Trịnh Lương Thu Trang (63 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) vẫn gắng gượng có mặt ở Trung tâm Y tế Vạn Hạnh, Quận 3 để xét nghiệm ADN. Bà không biết mặt bố, ngoài bức ảnh được mẹ gìn giữ cẩn thận.

Hàng chục năm qua, gia đình bà thực hiện nhiều chuyến đi tìm mộ, nhưng không có kết quả. Đến nay, khi được mời tham gia chương trình lấy mẫu gene cho thân nhân của liệt sĩ chưa xác định được danh tính, do Công an TPHCM phối hợp tổ chức, bà Trang như thêm hy vọng.

“Những tháng ngày cuối đời có được tin của ba, hoặc tôi không đợi được thì gia đình sau này cũng có thông tin, bởi tìm được ba là điều ước ao lớn nhất".

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm ADN người thân để xác định danh tính liệt sĩ. Ảnh: Ngọc Ánh

Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự Xã hội, Công an TPHCM, cho biết việc lấy mẫu ADN cho thân nhân các gia đình liệt sĩ chưa xác định được thông tin là bước chuẩn bị đầu tiên cho lộ trình tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt các liệt sĩ, thực hiện Đề án 06 Chính phủ.

Mẫu ADN của các liệt sĩ chưa xác định được thông tin và toàn bộ thân nhân sẽ được giám định, lưu trữ trong Ngân hàng Gene. Ngân hàng này do Bộ Công an phối hợp thành lập, ra mắt hôm cuối tháng 7, mục tiêu đến năm 2030 xác định danh tính khoảng 20.000 mẫu bằng phương pháp giám định ADN, xác minh 60% mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin bằng phương pháp thực chứng. Tất cả thân nhân liệt sĩ thiếu thông tin đều được xét nghiệm miễn phí. Nhóm này có thể liên hệ Sở Lao động Thương binh xã hội các địa phương để được hỗ trợ thực hiện.

"Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, đòi hỏi gấp rút tìm kiếm, trả lại tên cho các anh hùng liệt sĩ càng nhanh càng tốt vì thời gian và điều kiện môi trường khắc nghiệt không cho phép kéo dài", Thượng tá Lãnh nói.

Cấp căn cước cho người đặc biệt ở TPHCM

Trong lúc xếp hàng chờ đến lượt vào làm thẻ Căn cước tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức), bà Trần Thị Điệp (70 tuổi) vừa thấp thỏm, vừa vui mừng. Đây là lần đầu tiên bà Điệp được có trong tay tờ giấy chứng minh mình là công dân.

Theo bà Điệp, mấy chục năm trước, trong lúc bán vé số, bà không may bị cướp và mất giấy tờ tuỳ thân. Từ ngày đó, bà chỉ có thể xin làm giúp việc, rửa chén ở chỗ quen, nếu nơi nào hỏi giấy tờ làm hồ sơ thì bà lại xin nghỉ để làm việc khác.

Các cán bộ, chiến sĩ công an TPHCM nỗ lực làm thẻ căn cước cho những nhân khẩu đặc biệt. Ảnh: Minh Tâm

“Trước đó, tôi cũng vài lần thử xin làm lại giấy tờ nhưng không được. Nay được công an hỗ trợ làm giấy, tôi rất vui vì sau ngần ấy năm, tôi cũng có được cái giấy tờ chứng minh mình là ai”, bà Điệp tâm sự.

Không riêng bà Điệp, nhiều hoàn cảnh đặc biệt khác tại Cơ sở bảo trợ xã hội người tàn tật Hiệp Bình Chánh (phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức) cũng được cấp căn cước. Đây là chương trình do Công an TPHCM phối hợp với Cục C06, Bộ Công an tổ chức, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đăng ký, quản lý cư trú, tạo sự ổn định cuộc sống cho người dân.

Trung tá Nguyễn Thị Hồng Châu, Đội trưởng Đội 2, Phòng PC06 – Công an TPHCM cho biết, đa số những người ở trung tâm bảo trợ xã hội có hoàn cảnh đặc biệt, là những người lang thang, cơ nhỡ, không có thông tin hoặc có nhưng rất ít nên việc tiến hành thu thập thông tin để cấp giấy khai sinh, cấp thẻ Căn cước rất khó khăn.

“Tuy nhiên, không vì khó khăn đó mà lực lượng công an cũng như các sở, ngành không thực hiện, chúng tôi luôn quyết tâm làm hết sức để không ai bị bỏ lại phía sau”, Trung tá Châu nói.

Công an TPHCM hết lòng vì dân, với tâm niệm “không để ai bị bỏ lại phía sau“. Ảnh: Minh Tâm

Cũng theo Thượng tá Hồ Thị Lãnh, Phó Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TPHCM, thời gian qua, các cán bộ, chiến sĩ Công an TPHCM đã luôn nỗ lực trong việc đi tìm định danh số cho người yếu thế. Đến nay, Công an TPHCM đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành tiếp xúc, làm việc với hơn 3.000 trường hợp thuộc diện này; đã giải quyết cấp giấy khai sinh, số định danh cá nhân và giải quyết cư trú cho hơn 2.000 trường hợp; tìm ra được thông tin ban đầu và nhân thân của gần 250 trường hợp.

Người dân phấn khởi khi được chiến sĩ công an hỗ trợ làm thẻ Căn cước ở quận Bình Tân. Ảnh: Minh Tâm

Đặc biệt, từ khi triển khai thực hiện Luật Căn cước năm 2023 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1.7.2024) trên địa bàn TPHCM theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Công an TPHCM đã tổ chức thu nhận hồ sơ cấp thẻ căn cước cho hơn 1.000 trường hợp.

Ngoài ra, Tổ công tác Công an TPHCM đã phối hợp với công an các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng tổ chức cấp CCCD gắn chip cho hơn 1.500 trường hợp và thu thập thông tin dân cư cho 300 trường hợp thuộc diện nhân khẩu đặc biệt để bàn giao cho công an các đơn vị địa phương phối hợp xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn