MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Từ năm học 2020-2021, sẽ có nhiều bộ sách giáo khoa để các tỉnh, thành phố lựa chọn áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông của địa phương (ảnh minh họa). Ảnh: HẢI NGUYỄN

Công bố các bộ sách giáo khoa mới: Minh bạch lựa chọn, tránh “lợi ích nhóm”

ĐỨC THÀNH - HUYÊN NGUYỄN (thực hiện) LDO | 22/11/2019 11:02

Hôm nay (22.11), Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố quyết định phê duyệt những bộ sách giáo khoa lớp 1 mới để áp dụng từ năm học 2020 - 2021 theo lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Sự kiện này được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là về vấn đề lựa chọn SGK. Trách nhiệm của việc lựa chọn các bộ SGK và lợi ích của hàng triệu học sinh cùng gần 2 triệu giáo viên đang được đặt “lên vai” các UBND các tỉnh, thành phố. Nguy cơ “lợi ích nhóm” và sự minh bạch trong việc lựa chọn SGK đang là vấn đề được dư luận đặt ra.

Theo Luật Giáo dục 2019, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của bộ trưởng Bộ GDĐT. Theo nhiều chuyên gia, việc giao cho UBND cấp tỉnh chọn sách cũng cần được quy định rõ ràng về “tuổi đời” của bộ sách là bao nhiêu năm, nếu không quy định rõ ràng thì việc mỗi năm tỉnh chọn một bộ sách sẽ khiến người dân phải chi rất nhiều tiền để mua sách mới, trong khi sách cũ lại không sử dụng được. Bên cạnh đó, tính minh bạch trong việc chọn sách cũng phải đặt lên hàng đầu. Để làm rõ vấn đề này, Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi cùng ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GDĐT.

- Thưa ông, việc giao quyền lựa chọn cho UBND cấp tỉnh lựa chọn các bộ SKG có ấn định thời gian tối thiểu sử dụng các bộ sách để giảng dạy nhằm đảm bảo “sử dụng ổn định” như quy định của Luật Giáo dục hay không?

- Bộ GDĐT không ấn định thời gian sử dụng tối thiểu đối với các bộ SGK khi các địa phương đã chọn lựa và đưa vào giảng dạy. Cũng giống như chương trình (giáo dục phổ thông mới - PV) được phát triển linh hoạt, bản thân danh mục sách giáo khoa được lựa chọn cũng vậy, có thể được thay đổi. Việc thay đổi tùy theo quá trình triển khai thực hiện ở các địa phương, nếu thấy cần thiết phải thay đổi thì địa phương phải thành lập lại hội đồng theo quyết định của UBND tỉnh, sau đó sẽ có điều chỉnh danh mục sách giáo khoa được lựa chọn của tỉnh. Theo quy định của luật thì việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở phải đảm bảo tính ổn định. Bởi vậy, đối với các địa phương, đó là việc phải cân nhắc.

- Việc thay đổi danh mục SGK có thể dẫn tới việc gây lãng phí cho phụ huynh và học sinh bởi không có tính kế thừa cho các lớp sau. Vậy thì các địa phương nên làm gì để hạn chế việc phải thay đổi danh mục SGK, thưa ông?

- Các tỉnh phải cân nhắc trước khi lựa chọn danh mục trong quá trình triển khai thực hiện. Nhất là trong năm đầu tiên này, khi bắt đầu triển khai lựa chọn SGK thì cần tiếp thu ý kiến của cộng đồng giáo viên, phụ huynh. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thực hiện nếu có ý kiến của người sử dụng thấy thật cần thiết phải thay đổi thì thành lập lại hội đồng để điều chỉnh. Câu chuyện có lãng phí hay không, theo tôi nên nhìn nhận thế này, tất cả các quyển SKG được lựa chọn đều đã theo chương trình chung. Nếu có thay đổi cũng không có nghĩa thay đổi liên tục hay thay đổi cùng một lúc cả một bộ vì SGK được thành lập hội đồng theo môn học và hoạt động giáo dục.

Lãnh đạo UBND các tỉnh sẽ phải cân nhắc lý do thay đổi có thật sự cần thiết hay không, có xác đáng không và số đông các thầy cô giáo có nhất trí rằng, việc thay đổi là cần thiết và có lợi cho người học để đảm bảo phù hợp với điều kiện của chính địa phương ở môn đấy. Sự lãng phí ở đây là lứa học sinh kế tiếp liền kề không sử dụng lại được sách do lứa trên để lại. Tức là không truyền lại cho thế hệ sau ở chính môn học ấy, nhưng cũng chỉ trong phạm vi hẹp chứ không phải trong phạm vi rộng lớn.

Ngay kể cả trong trường hợp không có thay đổi thì số lượng các em học sinh ở lớp trên truyền cho lớp dưới thì cũng không phải là tất cả. Ngoài ra, việc phải thay đổi có thể chỉ xảy ra trong giai đoạn đầu thôi, còn sau này sẽ phải được ổn định lâu dài theo như quy định của luật, đặc biệt là trong thư viện trường thì lớp sau mượn lớp trước vẫn có thể tiếp tục.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT). Ảnh: MOET

- Thông thường, vòng đời của một cuốn SGK kéo dài bao nhiêu lâu, thưa ông?

- Một vòng đời của SGK thực ra là theo chương trình. Bản thân chương trình đấy có tính ổn định, sau này nếu có những thay đổi cũng chỉ là cập nhật bổ sung. Nhưng khi cập nhật bổ sung thì giống như thông tư trong bộ luật vậy, cuốn SGK có thể thêm phụ lục chứ không phải là vứt hẳn cuốn sách đó đi để thay cuốn mới. Ví dụ năm nay có cuốn SGK này, vài ba năm sau, chương trình sẽ phải có những cập nhật, đặc biệt là những thông tin thay đổi theo thời gian. Chẳng hạn như số liệu dân số năm nay như thế này, nhưng năm sau có sự thay đổi thì chúng ta cũng phải bổ sung theo cho đúng. Lúc bấy giờ sự biến động đấy sẽ được điều chỉnh bằng những tài liệu dạy học đi kèm và bản thân người giáo viên sẽ có cập nhật mới.

- Dư luận băn khoăn việc Bộ GDĐT không ấn định thời gian sử dụng tối thiểu một bộ SGK có thể dẫn tới nguy cơ “lợi ích nhóm”, dẫn tới sự mất ổn định khi các địa phương có thể thay SGK hàng năm. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này, thưa ông?

- Không thể có chuyện khắc chế vì UBND cấp tỉnh phải ban hành các tiêu chí lựa chọn SGK cho tỉnh mình. Ở cấp tỉnh, quyết định ban hành tiêu chí đó cũng tương đương như là một thông tư cấp bộ, khi đó các tiêu chí ấy giống như một văn bản quy phạm pháp luật rồi, như vậy khi được thay đổi danh mục SGK phải liên quan tới phải có lý do tại sao lại sửa và so sánh với tiêu chí đấy. Căn cứ vào các tiêu chí đã đề ra rồi bắt đầu các hội đồng mới thực hiện việc lựa chọn SGK. Cho nên nếu các tiêu chí đấy hôm nay UBND tỉnh thay đổi thì vẫn phải theo thông tư của bộ là thành phần hội đồng như thế. Thứ hai là vẫn phải theo tiêu chí đã ban hành, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Tất cả những điều đó là những quy định của pháp luật để ràng buộc các bên, đáp ứng yêu cầu trong quá trình triển khai thực hiện.

Tôi nghĩ rằng trong thời đại này, không gì bằng triển khai thực tế. Sau khi đưa SGK vào dạy học, ý kiến của giáo viên, học sinh, cán bộ quản lý là những ý kiến hết sức quan trọng, chưa kể còn có sự giám sát của xã hội, cha mẹ học sinh và đặc biệt là vai trò giám sát của các cơ quan thông tấn báo chí. Khi ấy, các ý kiến đưa ra hội đồng phải có lắng nghe ngay từ đầu, kể cả về sau trong quá trình điều chỉnh. Không dễ gì mà có thể muốn thay đổi là thay đổi được. Tóm lại là luôn có sự minh bạch và UBND cấp tỉnh phải có trách nhiệm minh bạch trên địa bàn của mình, nhất là chất lượng giáo dục địa phương chính là nền tảng, động lực để phát triển kinh tế xã hội tại chính địa phương đấy.

- Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn