MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hố "tử thần" xuất hiện tại phường Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả vào ngày 31.7.2023. Ảnh: UBND TP.Cẩm Phả

Công bố nguyên nhân gây hố “tử thần” ở Cẩm Phả

Nguyễn Hùng LDO | 27/08/2023 06:53

Quảng Ninh - Theo Viện Vật lý địa cầu, có nhiều nguyên nhân gây ra hố “tử thần” ở phường Cẩm Sơn, TP.Cẩm Phả rạng sáng ngày 31.7.2023, trong đó có sự tồn tại không gian ngầm là hang Các-tơ (Karst) nổi cao tới -5m so với bề mặt đất khu vực sụt.

Theo UBND TP.Cẩm Phả, ngay sau khi xuất hiện hố "tử thần" tại tổ 1, khu Nam Sơn, phường Cẩm Sơn vào khoảng 3h30 ngày 31.7.2023 thì chiều 31.7, đoàn khảo sát gồm các nhà khoa học của Viện Vật lý Địa cầu, Viện Địa chất, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Anh - Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu - dẫn đầu đã tiến hành điều tra tại hiện trường.

Tại thời điểm khảo sát, hố sụt có kích thước trên mặt với đường kính khoảng 8,5m, một phần đường bị lún, nứt. Hố sụt đã ăn sâu vào nhà dân, ảnh hưởng trực tiếp tới ít nhất 3 hộ gia đình. Trong hố sụt có nước, mực nước khá cao cách mặt đường khi chưa lún khoảng 1m. Cạnh căn nhà bị nghiêng do hố sụt, có giếng đào sâu khoảng 3m, mực nước cách mặt đất 1,25m. Cách vị trí hố sụt ngày 30.7.2023 về phía Bắc - Tây Bắc 30m, có một hố sụt được người dân phát hiện cách đây khoảng 1 tháng, đường kính hố sụt khoảng 3m thể hiện trên mặt qua vết nứt mặt đường giao thông.

Trước đây, hố ” tử thần” thỉnh thoảng lại xuất hiện ở TP.Cẩm Phả. Trong ảnh là một hố “tử thần” xuất hiện ở khu Cao Sơn I, phường Cẩm Sơn vào tối 5.4.2018. Ảnh: Trần Ngọc Duy

Kết quả đo địa vật lý do Viện Vật lý địa cầu triển khai cho thấy tồn tại không gian ngầm là hang Các-tơ (Karst) nổi cao tới -5m so với bề mặt đất khu vực sụt. Số liệu này cũng phù hợp với các tuyến đo địa vật lý do Viện Địa chất trước đây bố trí gần khu vực sụt. Các nghiên cứu trước đó của viện này chất cho thấy, vật liệu phủ lên đá carbonat tại khu vực này là vật liệu đất lấp, bùn, sét, thuận lợi cho bị xói ngầm, lôi cuốn theo các kênh dẫn là các khe nứt, rãnh Các-tơ xuống không gian ngầm phía dưới (hang Các-tơ).

Vị trí sụt 1 có hiện tượng sụt đã gây thay đổi dòng chảy nước dưới đất, hiện tượng này tạo áp lực lớn hơn và làm rửa trôi đất, sét, bùn gây xuất hiện hố sụt tại một số nhà dân. Kết hợp điều kiện mưa lớn, nơi xung yếu và chịu tải trọng cao từ nhà 2,5 tầng của nhà người dân đã gây mở rộng hố sụt và xuất hiện sụt lún rõ hơn.

Ngoài ra, rất có khả năng, dưới tác động của dòng chảy ngầm và dao động mực nước dưới đất; các hệ thống bể nước ngầm, bể phốt bị rò rỉ do tác động của hố sụt sẽ tạo dòng chảy đột ngột, có lưu lượng lớn trong thời gian ngắn tác động tới sự phát triển của hố sụt ngày 30.7.2023.

Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị, trước mắt tiếp tục theo dõi hiện trạng, biểu hiện trên mặt của hố sụt thông qua các vết nứt trên đường, tường nhà, mức độ nghiêng của nhà. Không để người dân sinh sống trong các công trình bị ảnh hưởng của hố sụt cho tới khi hoàn thành triển khai các biện pháp xử lý an toàn. Hạn chế tối đa các dòng chảy tập trung vào hố sụt, ví dụ không để hệ thống thoát nước mưa, nước thải chảy trực tiếp vào hố sụt.

Tại khu vực này có thấy xuất hiện đới chứa nước rộng, sâu. Dưới sâu -85 đến hơn -100 mét còn có hang chứa nước, gây thêm sự nguy hiểm cần khắc phục nhanh và kịp thời (xả nước đi nơi khác).

Về trong trung hạn và lâu dài, Viện Vật lý Địa cầu kiến nghị UBND TP.Cẩm Phả xem xét, cho triển khai sớm nghiên cứu chi tiết các khu vực trọng điểm sụt nhằm phục vụ cảnh báo nguy cơ sụt đất. Năm 2021, Viện Vật lý Địa cầu đã đề xuất: “Nghiên cứu xây dựng hệ thống quan trắc và giám sát một số trường vật lý địa cầu cấp thiết phục vụ phát triển bền vững TP.Cẩm Phả”, tuy nhiên cho đến nay chưa được thực hiện.

Tuyên truyền, khuyến cáo nhân dân sử dụng móng cọc cho các công trình nhà ở tại các khu vực có nguy cơ sụt đất cao, khu vực mới được lấn biển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn