MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chuyên gia về giới cho biết, việc lên tiếng của cộng đồng là điều kiện đủ để xã hội bảo vệ phụ nữ trước BLTD

Cộng đồng lên tiếng là chỗ dựa lớn với nạn nhân bị bạo lực tình dục

THUỲ TRANG LDO | 22/03/2019 17:32
Khi cộng đồng xã hội cùng lên tiếng về bạo lực tình dục (BLTD), đó là niềm khích lệ rất lớn đối với các nạn nhân. Để từ đó, không còn người phụ nữ cam chịu bị bạo hành, những kẻ xấu bị tố cáo và phải nhận được sự trừng trị của pháp luật.

Ngày 22.3, Trung tâm hành động vì sự phát triển cộng đồng (ACDC) phối hợp cùng Hội người khuyết tật TP. Đà Nẵng tổ chức toạ đàm “Hãy lên tiếng” – Phòng ngừa, ứng phó BLTD đối với phụ nữ và trẻ em khuyết tật.

Chia sẻ tại buổi toạ đàm, bà Dương Hiền Hạnh – chuyên gia về giới đã lấy những ví dụ cụ thể để nhấn mạnh sự quan trọng của việc phải "lên tiếng" của các nạn nhân và cả cộng đồng xã hội trước vấn đề BLTD.

“Đã có không ít trường hợp các nạn nhân khi lên tiếng nhưng lại không tìm thấy được sự đồng cảm, giúp đỡ từ xã hội. Điều này gây nên tác dụng ngược, càng ảnh hưởng đến tâm lý của người bị quấy rỗi, bị BLTD. Họ sẽ co người lại và mọi thông tin bị cắt đứt” – bà Hạnh chia sẻ.

Trong khi đó, nhìn về những vụ việc BLTD hiện nay, việc người dân, báo chí, cộng đồng mạng đồng loạt lên tiếng, thậm chí là hành động như kêu gọi nhau tẩy chay kẻ có hành vi thô bạo, "cưỡng hôn" nữ sinh trong thang máy tại Hà Nội là điều đáng mừng.

Nó cho thấy xã hội đang ngày càng có sự quan tâm nhiều hơn về BLTD với phụ nữ. Có thể hiện nay, Luật pháp không coi đó là BLTD mà chỉ xem đó là hành vi xúc phạm. Vì vậy, kẻ gây hấn chỉ phải xin lỗi mà xin lỗi thì ai muốn làm thì làm, làm kiểu gì cũng được và phạt tiền 200.000 đồng chưa đủ sức răn đe người có hành vi sai phạm, thậm chí nhiều kẻ xấu khác có thể tự cho mình quyền được cưỡng hôn hay đụng chạm vào phụ nữ mà không lo bị phạt tù.

Thế nhưng, cần nhìn nhận rằng, có nhiều vấn đề, luật chưa theo kịp với sự phát triển của thực tế xã hội. Vì vậy, sự liên tiếng của mọi người sẽ là cơ sở, nền tảng để các cơ quan chức năng xem xét lại các điều luật, trong đó có luật về BLTD đối với phụ nữ như sự việc vừa qua.

“Phải có nhiều người lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới thấy được rằng sự việc đó nghiêm trọng, có sự đe doạ đến an toàn của nhiều người. Việc nạn nhân lên tiếng và có nhiều người ủng hộ, đó sẽ là sự khích lệ đối với những nạn nhân khác tố cáo các sự việc.

Một điều nữa là tính cộng đồng trong những vụ việc có liên quan đến bạo hành, bạo lực phụ nữ gần đây đang tăng cao. Nạn nhân không kêu gọi nhưng mọi người tự ý thức được việc, bản thân họ có thể trở thành nạn nhân tiếp theo, sẽ chịu sự tổn thương, uất ức như các nạn nhân. Vì vậy, lên tiếng vì người khác chính là bảo vệ mình” – bà Hạnh chia sẻ.

Quay về với đối tượng phụ nữ và trẻ em khuyết tật, họ lại là đối tượng dễ bị tổn thương, bị yếu thế nhất trong xã hội. Vì vậy, sự ủng hộ, đồng hành của xã hội là điều kiện rất lớn để các nạn nhân lên tiếng.

Theo báo cáo khảo sát của Trung tâm ACDC về tình hình BLTD đối với Phụ nữ khuyết tật được thực hiện tại 2 địa bàn quận Thanh Khê (TP. Đà Nẵng) và huyện Ba Vì (TP. Hà Nội) cho thấy cứ 10 phụ nữ khuyết tậ thì có 4 người đã từng bị ít nhất 1 hình thức bạo lực tình dục. Đây là con số đáng chú ý về sự im lặng của nạn nhân bị BLTD.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn