MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trao đổi thông tin mua bán GPLX giả công khai qua tin nhắn. ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Công khai rao bán bằng lái xe giả, hứa hẹn có hồ sơ gốc!

LONG NGUYỄN - TRẦN KHANH LDO | 16/06/2019 11:00

“Làm bằng xe máy 1,5 triệu đồng không có hồ sơ gốc. Làm bằng ôtô các loại thì 4,5 triệu đồng, nếu có hồ sơ gốc thì 12,5 triệu đồng, bao soi trên hệ thống cổng thông tin điện tử Quốc gia. Đồng ý thì chỉ cần gửi ảnh và CMND hai mặt, khoảng 1-2 tuần làm xong em báo cho anh rồi ship đến tận nơi, kiểm tra, ưng ý mới lấy tiền” - đó là lời quảng cáo của các đối tượng làm bằng lái xe giả.

Truy tìm “lò” sản xuất

Năm 2018, qua công tác xác minh những người vi phạm luật giao thông, Phòng Quản lý sát hạch và cấp GPLX thuộc Sở GTVT TPHCM đã phát hiện 314 giấy phép lái xe ôtô, xe máy giả. Đồng thời, qua công tác cấp đổi GPLX sang thẻ nhựa (PET) mới, đơn vị đã phát hiện thêm 55 GPLX ôtô và xe máy giả, nâng tổng số lên 369 GPLX bị làm giả.

Trước tình trạng GPLX giả ngày càng gia tăng, PV báo Lao Động đã tiếp cận tìm hiểu vấn đề này. Trò chuyện với chúng tôi, một thanh niên đã từng đặt mua GPLX ôtô giả cho biết: “Chỉ cần lên mạng hoặc vào facebook tìm kiếm “mua bằng lái xe” thì loại nào cũng có, bằng lái y như thật nhưng có điều là không có hồ sơ gốc, nếu tra trên mạng sẽ không có tồn tại”.

Để chứng minh câu chuyện đã nói là thật, người này liền vào facebook tìm kiếm “mua bằng lái xe giả”, ngay lập tức xuất hiện nhiều tài khoản đăng thông tin nhận làm giả các loại bằng lái xe, bao soi công an thoải mái. Ngoài ra, giá cả mua bán được bình luận ngang nhiên, thậm chí là giao hàng tận nơi mới thanh toán.

Đi sâu vào tìm hiểu, PV Báo Lao Động đã nhấc máy liên hệ với số điện thoại 033.2727.XXX niêm yết trên trang facebook nhận làm các loại GPLX giả. Sau vài hồi chuông, người đàn ông có giọng nói nhẹ nhàng nghe máy, khi biết chúng tôi có nhu cầu cần mua bằng lái xe, người này yêu cầu kết bạn zalo rồi có gì nói chuyện qua đó.

Sau khi kết bạn zalo thành công, người đàn ông nhắn tin hỏi han cần làm GPLX loại gì và thông báo giá: “Làm bằng xe máy 1,5 triệu đồng không có hồ sơ gốc. Làm bằng ôtô các loại thì 4,5 triệu đồng, nếu có hồ sơ gốc thì 12,5 triệu đồng, bao soi trên hệ thống cổng thông tin điện tử Quốc gia. Đồng ý thì chỉ cần gửi ảnh và CMND hai mặt, khoảng 1 - 2 tuần làm xong em báo cho anh rồi ship đến tận nơi kiểm tra, ưng ý mới lấy tiền”.

Tỏ ra thiện chí cần mua GPLX có đầy đủ hồ sơ gốc, chúng tôi để lại số điện thoại liên lạc và được hẹn khoảng 2 tuần là có. Bên cạnh đó, trong thời gian chờ đợi người này thường xuyên nhắn tin zalo trò chuyện và gọi điện trực tiếp thăm dò xem người mua có biểu hiện gì khả nghi không.

Khoảng 20 ngày sau, chúng tôi nhận được điện thoại thông báo đã làm xong GPLX và thống nhất hẹn gặp giao dịch tại một chung cư ở quận 4. Tại đây, người đàn ông có nước da ngăm đen, khoảng chừng 50 tuổi đi xe máy có nhiệm vụ giao hàng và mở gói giấy đựng GPLX giả cho chúng tôi kiểm tra.

Giống y như thật

Cầm GPLX giả trên tay, thật khó để có thể nhận biết đâu là thật đâu là giả, bởi công nghệ in ấn làm giả quá sắc nét đến từng chi tiết. Đặc biệt, các đường gân in chìm hình hoa sen lấp lánh nổi lên giống như thật, tem chìm mặt sau óng ánh phản chiếu ánh sáng.

Sau một hồi kiểm tra so sánh với GPLX thật, PV nhận ra điều bất thường nằm ở con dấu do Sở GTVT cấp. Theo đó, dấu tròn trên mặt trước GPLX thật được cấp bởi Sở GTVT có hình dạng to hơn gấp đôi so với con dấu trên GPLX giả, các chi tiết còn lại đều giống như thật. Thắc mắc về chuyện con dấu khác thường, chúng tôi được người giao hàng bấm điện thoại nói chuyện trực tiếp với người chủ.

Qua trao đổi, người chủ nói: “Dấu tròn của Sở GTVT mỗi thành phố có độ lớn nhỏ khác nhau. Ngoài ra, con dấu của Giám đốc Sở nó khác, mà dấu của Phó giám đốc Sở nó cũng khác nên không thể giống nhau”. Tiếp tục hỏi thêm về bộ hồ sơ gốc, người này liền lấy lý do chưa kịp làm và hẹn khi nào có sẽ thông báo sau, trước mắt cứ thanh toán 5 triệu đồng tiền làm GPLX này.

Tỏ ra không đồng ý với cách giải thích trên, PV đã nhanh chóng từ chối không mua GPLX giả nữa. Chưa dừng lại tại đây, khoảng 5 phút sau người này liên tục gọi điện và nhắn tin nhằm thuyết phục người mua phải thanh toán tiền làm GPLX cho bằng được.

Chia sẻ với PV Báo Lao Động về chuyện “cò” khẳng định có đầy đủ bộ hồ sơ gốc, một người đã từng đặt mua GPLX giả nói, đây chỉ là chiêu trò tạo thêm lòng tin đối với người mua. Bởi khi người giao GPLX đến nơi, mặc dù không muốn nhận nhưng bằng những lời lẽ đầy thuyết phục cũng khiến khách hàng chấp nhận “tặc lưỡi” trả tiền cho dù không có hồ sơ gốc. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều người.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều GPLX giả bị phát hiện thời gian qua rơi vào tài xế lái xe khách. Nguyên nhân một phần do luật quy định để được dự thi lấy bằng lái D hoặc E, người dự thi buộc phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, riêng đối với bằng E còn có thêm điều kiện tuổi đời phải từ 27 trở lên.

Một tài xế chuyên lái xe khách đường dài (ở quận 4, TPHCM) cho hay, nhiều người khi vi phạm luật giao thông bị treo GPLX 1 - 2 tháng với số tiền phạt lên đến vài triệu đồng, họ chọn cách đến Sở GTVT báo mất để xin cấp lại GPLX mới và sẵn sàng bỏ GPLX bị thu giữ. Tính ra chi phí cấp lại GPLX mới chỉ khoảng 400 nghìn đồng, thấp hơn nhiều so với đóng phạt.

Ông Ngô Đình Quang - Trưởng phòng sát hạch GPLX tại TPHCM, cho biết: “Chỉ riêng tháng 5.2019, qua xác minh 444 GPLX, đơn vị đã phát hiện ra 71 GPLX giả. Hiện nay, tỉ lệ thi đậu để được cấp GPLX ôtô tại TPHCM là khoảng 60%. Có những người biết lái xe nhưng không đăng ký học đến nơi đến chốn mà tìm cách mua GPLX giả”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn