MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Nhân dân phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Trần Tuấn.

Công nghệ đem báo chí gần bạn đọc hơn

Trần Tuấn LDO | 16/12/2021 14:33

Đánh giá cao vai trò của công nghệ trong báo chí hiện đại nhưng ông Lê Quốc Minh, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cũng lưu ý các tòa soạn “không nên chạy theo các công nghệ mang tính trình diễn, hào nhoáng, không hiệu quả mà chỉ lãng phí”.

Sự kết hợp giữa nhà báo và công nghệ

Sáng 16.12, tại Hà Nội đã diễn ra Diễn đàn “Đổi mới công tác đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số” do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan được tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thông tin, theo tiêu chuẩn của các tòa soạn trên thế giới hiện nay thì cứ 6 – 8 nhà báo thì có 1 nhân viên công nghệ. Ông Minh lấy ví dụ, tại Thông tấn xã Việt Nam, hiện có hơn 1.000 nhà báo thì có hơn 100 nhân viên công nghệ. Công nghệ đem báo chí đến gần bạn đọc hơn.

"Ngoài các nhân viên công nghệ, các tòa soạn cũng cần có các chuyên gia về phân tích dữ liệu. Thậm chí phải lập trình ra các chương trình để quét, xử lý dữ liệu. Những vụ báo chí điều tra lớn gần đây như Panama Papers cũng phải sử dụng công nghệ để quét hàng bao nhiêu terabyte dữ liệu thì mới ra được", ông Minh cho biết.

Diễn đàn có sự tham gia của nhiều điểm cầu trực tuyến trên cả nước. Ảnh: Trần Tuấn.

Tổng Biên tập báo Nhân Dân cho biết thêm, hiện nay, trên thế giới có xu hướng các cơ quan báo chí đầu tư vào công nghệ rất nhiều để trở thành các tập đoàn Media Tech như New York Times, Washington Post… Và một xu hướng ngược lại là các tập đoàn công nghệ như YouTube, Facebook... đầu tư mạnh vào truyền thông thì gọi là Tech Media. Thế giới đang chứng kiến sự cạnh tranh giữa các Media Tech, và Tech Media. 

Đánh giá cao vai trò của công nghệ trong báo chí hiện đại nhưng ông Lê Quốc Minh cũng lưu ý các tòa soạn “không nên chạy theo các công nghệ mang tính trình diễn, hào nhoáng, không hiệu quả mà chỉ lãng phí”.

Từ các phân tích trên, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng đào tạo nhân lực báo chí, truyền thông sắp tới phải dự báo và theo kịp xu hướng phát triển của báo chí truyền thông trong nước và thế giới.

Cần đào tạo về sở hữu trí tuệ cho nhân lực báo chí

Diễn đàn cũng ghi nhận nhiều tham luận sôi nổi từ đơn vị đào tạo báo chí, các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp khai thác nguồn nhân lực trong lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Bà Đào Thị Tuyết Vân, Phó Giám đốc Đài phát thanh truyền hình tỉnh Vĩnh Long nhấn mạnh vấn đề vi phạm bản quyền báo chí đang diễn ra nhức nhối.

"Cần đào tạo về Luật Sở hữu trí tuệ, kiến thức về kinh tế báo chí cho nhân lực ngành báo chí, truyền thông", Phó Giám đốc Đài phát thanh truyền hình tỉnh Vĩnh Long đề xuất.

Ông Nguyễn Đức Thành, Ủy viên Ban Biên tập, Trưởng Ban Kinh tế Báo Lao Động cho rằng cần tăng cường đào tạo "thực chiến" cho sinh viên ngành báo chí, truyền thông.

"Nhà trường đào tạo cơ bản, cơ quan báo chí sẽ chấm điểm tư duy và kỹ năng làm báo của sinh viên", ông Thành đề xuất,

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đức Thành cho rằng cần đào tạo chuyên sâu cho từng lĩnh vực báo chí, giúp sinh viên báo chí định hướng ngay lĩnh vực báo chí mà mình muốn theo đuổi từ trong nhà trường, nhất là những lĩnh vực lớn như: Chính trị, Kinh tế, Văn hóa - Giáo dục...

Đại diện các cơ sở đào tạo báo chí cũng đề xuất các giải pháp trong đào tạo. PGS.TS Nguyễn Trường Giang, Phó Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: "Để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực báo chí đáp ứng nhu cầu của kỷ nguyên số, mong Bộ Thông tin và Truyền thông có sáng kiến, gợi mở để có sự kết nối chặt chẽ giữa cơ quan báo chí và các cơ sở đào tạo báo chí, trong việc tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng".

PGS.TS Nguyễn Trường Giang cho biết thêm, bản thân các cơ sở đào tạo cần thực hiện đồng bộ các giải pháp: Đổi mới phương pháp đào tạo gắn liền với sự thay đổi thói quen, ý thức của giảng viên và sinh viên. Tránh suy nghĩ đơn giản hay cực đoan trong đổi mới phương pháp đào tạo. Đổi mới đào tạo đồng bộ với đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và phương pháp kiểm tra đánh giá cùng nâng cao trình độ giảng viên, lấy người học làm trung tâm...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn