MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Triển khai đổ bêtông siêu tính năng UHPC trên mặt cầu Thăng Long. Ảnh ĐT

Công nghệ hàn đinh neo nâng tuổi thọ mặt cầu Thăng Long lên 30 năm

Minh Hạnh LDO | 09/12/2020 16:48
Theo đại diện cơ quan chức năng, mặt cầu Thăng Long sau khi sửa chữa xong sẽ đảm bảo tuổi thọ kéo dài nhờ kết cấu được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất trên thế giới hiện nay. Nhưng muốn kéo dài “tuổi thọ” phải kiểm soát tải chặt trọng tải xe qua cầu.

Cầu Thăng Long xây dựng từ năm 1974 và thông xe đưa vào sử dụng từ tháng 5.1985. Sau thời gian dài khai thác, mặt cầu đã bị hư hỏng và tiến hành sửa chữa lớn vào năm 2009 và sửa chữa cục bộ một số năm sau đó nhưng vẫn không thể triệt để hoàn toàn.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Thắng, đơn vị đã phối hợp với các đơn vị chức năng để nghiên cứu, phân tích các nguyên nhân hư hỏng và đưa ra giải pháp sửa chữa trong đó cho thấy công nghệ hàn đinh neo Plasma và bêtông siêu tính năng UHPC là giải pháp kinh điển trong sửa chữa cầu trên thế giới. Theo đó, công nghệ hàn đinh neo không sinh nhiệt (nhiệt độ dưới 80 độ C) không ảnh hưởng tới bản thép mặt cầu, thời gian hàn chỉ từ 3 đến 15 giây và sau đó sẽ đổ bêtông siêu tính năng UHPC lên trên đảm bảo kết cấu bản mặt cầu bền vững.

Theo giáo sư, tiến sỹ Trần Đức Nhiệm, Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội - đơn vị nghiên cứu giải pháp thiết kế sửa chữa mặt cầu Thăng Long, hư hỏng chủ yếu là mặt đường bị rạn nứt, hằn lún, bản thép trực hướng bị biến dạng. Trong khi đó, lưu lượng xe trung bình là 47.000 lượt xe/ngày đêm, tổng tải trọng xe lớn qua cầu chủ yếu trên 45 tấn (tải trọng cầu cho phép chỉ là 30 tấn).

Do thời gian dài khai thác, bản mặt cầu không đáp ứng về độ cứng, chịu kéo theo cả phương dọc và ngang lớn, bị võng cục bộ, chất lượng bê tông lớp phủ không đạt yêu cầu, nhiều vị trí không dính bám, lớp phủ rỗng đọng nước với mặt thép cầu. Do đó, giải pháp sửa chữa lần này là sẽ cải tạo mặt cầu bản thép trực hướng hiện tại thành mặt cầu liên hiệp nhẹ.

Việc kết dính giữa bản mặt thép với bêtông siêu tính năng UHPC được liên kết giữa bản mặt thép hiện tại và bên tông siêu tính năng bằng đinh neo tiêu chuẩn. Sau đó, sẽ thảm một lớp bê tông nhựa Polyme trên lớp tạo nhám và dính bám. “Việc sử dụng lớp bêtông siêu tính năng UHPC sẽ tăng cường độ cứng cho bản mặt cầu có tính chịu mỏi cao, giải quyết được vấn đề dính bám giữa mặt cầu và lớp phủ trong trường hợp tải trọng xe nặng, chống thấm đọng nước xuống bề mặt cầu” ông Nhiệm cho hay.

Đại diện Cục quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - Cục trưởng Nguyễn Trung Sỹ, cho biết kết cấu công trình được thực hiện bằng các giải pháp khoa học và kỹ thuật mới và có độ bền tốt nhất, Tổng cục Đường bộ tin tưởng sẽ hoàn thành sớm hơn so với tiến độ đề ra vào ngày 16.1.2021, đảm bảo kết cấu bêtông siêu tính năng (dày 6cm) và bản mặt cầu có “tuổi thọ” lên tới 30 năm, riêng với lớp thảm bêtông nhựa tạo nhám (dày 4cm) trên cùng của mặt cầu sẽ tồn tại từ 5 đến 10 năm tùy theo tải trọng xe đồng thời mong muốn có hệ thống kiểm soát tải trọng xe tại cầu để đảm bảo bền vững kết cấu của cầu Thăng Long.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn