MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân làm việc dưới cái nắng gay gắt ở cảng Hải Phòng ngày 2.7. Ảnh: SƠN TÙNG

Công nhân chật vật chống chọi với nắng nóng đỉnh điểm

THÙY LINH - CAO NGUYÊN LDO | 03/07/2018 07:35

Ngày 2.7, suốt một dải từ phía Bắc cho tới các tỉnh miền Trung nắng như đổ lửa. Hà Nội nóng 40 độ C, nhiệt độ ngoài trời lên tới 45 độ C - cao nhất từ đầu năm tới nay. Nắng nóng đỉnh điểm, từ công nhân lao động (nhất là những người phải làm việc ngoài trời), cho đến người dân, những bệnh nhân và cả các y-bác sĩ đều “choáng váng” trước áp lực khủng khiếp của thời tiết khắc nghiệt. Đợt nắng nóng này dự kiến còn kéo dài từ 3-5 ngày tới.

NLĐ kiệt sức với nắng nóng 45 độ C

Với khuôn mặt đen nhẻm, khắc khổ nhễ nhại mồ hôi, cô Nguyễn Thị Hảo (56 tuổi, ở An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội) đang là công nhân lao động tại một dự án xây dựng nằm cạnh Đại lộ Thăng Long (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, “Tôi cũng mới đi làm nghề này thôi. Tôi được người quen giới thiệu vào làm. Một ngày được 200.000 đồng tôi thấy cũng được nên theo. Mấy ngày trước thời tiết không khắc nghiệt thế này, nhưng mấy hôm nay nắng nóng, mới sáng ra mà đã rát hết cả mặt. Mồ hôi ra nhiều, mất sức, hôm trước còn có một anh công nhân do nắng quá suýt bị ngất phải đưa vào lán gấp”.

Cô Hảo chia sẻ, công việc này khổ cực nhất rồi. Nghĩ mà cực lắm. Trời nắng chang chang gần 45 độ C ngoài trời, những công nhân như cô Hảo vẫn phải mài mặt ra với khối bêtông, xúc từng xẻng đất, bê từng xô hồ.. “Người ta thì ngồi máy lạnh, mình thì phơi mặt giữa trời, còn gì khổ nhọc hơn. Chả còn cái nghề nào cực hơn cái nghề của những người CN xây dựng như chúng tôi đâu. Khó nhọc cũng cần phải cố gắng vì gia đình giờ có tôi phải lo cơm áo gạo tiền” - cô Hảo nói.

Bệnh tật gia tăng

Một cháu bé 7 tháng tuổi từ Vĩnh Phúc được ông nội, bà ngoại và mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương từ 4h sáng. Cả ngày họ chạy lòng vòng trong bệnh viện khám, làm xét nghiệm, chụp chiếu, đến 16h vẫn chưa được về. “Nếu bệnh viện không có điều hòa, không có chỗ ngồi chờ cho người nhà bệnh nhân như ở đây, chắc chúng tôi không thể chịu nổi” - ông Nguyễn Văn Kh chia sẻ. TS-BS Nguyễn Thị Út - Trưởng khoa Khám bệnh 2 - cho biết: “Mỗi ngày, khoa Khám bệnh của BV tiếp nhận 2.500- 3.200 bệnh nhi đến khám và điều trị. Nắng nóng đỉnh điểm, áp lực công việc càng nặng nề hơn”.

TS-BS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết: “Một tháng nay, số lượng bệnh nhân luôn trong tình trạng quá tải. Chủ trương của BV và bộ, riêng khoa Hồi sức cấp cứu, mỗi cháu vẫn nằm một giường, nhưng số máy thở chúng tôi chỉ có hơn 10 máy, mọi khi tiếp nhận các cháu là chúng tôi có sẵn giường cho các cháu nhưng tình trạng như thế này thì các cháu sẽ phải nằm chờ, thở máy tại khu cấp cứu đêm, sau khi có giường trống chúng tôi mới nhận được. Những ngày nắng nóng này, đặc biệt trong khoảng 2 tuần gần đây, chúng tôi tiếp nhận số lượng lớn các cháu mắc bệnh viêm não, hai là các cháu đuối nước. Nghỉ hè, trời lại nắng nóng, đuối nước, tai nạn rất dễ xảy ra. Một tuần vừa rồi, chúng tôi tiếp nhận 4 ca đuối nước, tình trạng nặng nhưng may mắn, các cháu đã được cứu sống”.

Công nhân vệ sinh vất vả dưới cái nắng gắt 450C (ảnh chụp lúc 12h trưa 2.7 tại Hà Nội). Ảnh: SƠN TÙNG
Người nhà bệnh nhân khổ sở phải tránh nóng trong các hành lang Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội). Ảnh: THÙY LINH

Nguy hiểm nhất là “đột quỵ”

Những ngày nắng nóng, Khoa Cấp cứu nội - nhi, BV Thanh Nhàn tập trung nhiều các ca cấp cứu đột quỵ, tai biến mạch máu não. 4 bác sĩ, 8 điều dưỡng và các nhân viên hỗ trợ làm việc hết công suất.

9 giờ 30 phút, ca bệnh được coi là nặng nhất ca buổi sáng được các bác sĩ khoa Cấp cứu tích cực hồi sức cho bệnh nhân. Bác Nguyễn Anh Tuấn - chồng bệnh nhân Hà Thị Thu H (59 tuổi, thường trú tại Trương Định, Hai Bà Trưng, Hà Nội) - kể, công việc thường ngày của bà H là buôn bán ngoài chợ. Bà H có tiền sử huyết áp hơn 10 năm và vẫn uống thuốc đều. Vì thế, mặc dù mấy ngày vừa qua thời tiết nắng nóng đỉnh điểm, những cơn đau đầu hành hạ suốt nhưng bà H vẫn chủ quan nghĩ là bệnh đau đầu bình thường như nhiều năm qua nên chỉ uống thuốc huyết áp và vẫn đi chợ.

Sáng 2.7, khi bà H đang đi bộ ra cửa khoảng 1m thì ngã xuống. Bệnh nhân được gia đình đưa vào viện trong tình trạng nôn ra máu, hôn mê, nguy kịch. Các bác sĩ đã điều trị tích cực cho bệnh nhân, đặt máy thở, dùng thuốc kiểm soát huyết áp cho bệnh nhân.

BSCK II Phạm Thị Trà Giang - Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Thanh Nhàn - cho biết, đây là ca bệnh nặng nhất từ sáng đến giờ trong tua trực của BS. Bệnh nhân bị chảy máu não dẫn đến hôn mê sâu. “Chúng tôi đã tư vấn cho người nhà tiến hành phẫu thuật cấp cứu để hút máu tụ trong não, giảm ép não làm phình não. Tuy nhiên, mổ giải ép máu não là một quá trình điều trị, theo dõi lâu dài. Nhưng không mổ thì bệnh nhân cũng rất nguy kịch”, BS Giang nói thêm, đây là một ca tiên lượng rất xấu.

Khoảng 10 giờ 20 phút, thêm một ca cấp cứu nặng do tai biến mạch máu não được nhập viện. Bệnh nhân nam Đào Ngọc S (đường Hoàng Hà, Phúc Tân, Hoàn Kiếm, Hà Nội) bị tai biến lần thứ ba, sau lần tai biến đầu tiên cách đây 12 năm. Ông vào viện trong tình trạng cứng hàm, cứng người và còn mắc nghẹn miếng bánh bao ở cổ lúc ăn sáng. BSCKII Phạm Thị Trà Giang cho biết, trong những ngày nắng nóng đỉnh điểm vừa qua, bệnh nhân bị tai biến do huyết áp tăng cao. Những bệnh nhân này hầu hết đều được điều trị huyết áp trước đó nhưng không kiểm soát đúng liệu trình, cộng với thời tiết nắng nóng, gây đứt mạch máu não.

Để phòng chống tai biến, đột quỵ mùa nóng, BS Giang khuyến cáo, người bệnh phải dùng thuốc kiểm soát định kỳ, dùng theo đúng liệu trình thuốc bác sĩ đã kê đơn; phải kiểm tra huyết áp ngày hai lần. Nếu thấy huyết áp cao bất thường phải đến bác sĩ kiểm tra và chỉnh đơn thuốc. Nếu bệnh nhân bị đột quỵ phải đến viện ngay. thời tiết nắng nóng bất thường, người cao tuổi đặc biệt người có tiền sử huyết áp cần cẩn trọng ra ngoài trời khi nắng nóng. Nếu ngồi trong điều hòa quá lạnh, ra ngoài cũng dễ bị sốc nhiệt” - BS Giang khuyến cáo.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn