MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhận liệt sĩ với nam sinh cứu người là kịp thời, cần thiết

Việt Dũng LDO | 03/05/2021 14:40
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, việc Chủ tịch nước đề nghị các cơ quan chức năng xem xét truy tặng Huân chương Dũng cảm, công nhận liệt sĩ cho nam sinh cứu người Nguyễn Văn Nhã là kịp thời, cần thiết và có căn cứ pháp lý.

Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) dẫn chứng tại khoản 5, Điều 16 Thông tư 07/2019/TT-BVHTTDL (có hiệu lực ngày 15.10.2019) thì tiêu chuẩn xét tặng “Huân chương Dũng cảm” đối với cá nhân thực hiện theo quy định tại Điều 32 Nghị định số 91/2017/NĐ-CP.

Theo đó, Điều 32 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định “Huân chương Dũng cảm” để tặng hoặc truy tặng cho cá nhân có hành động dũng cảm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

- Có hành động dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân khi gặp hỏa hoạn, thiên tai, tai nạn, thảm họa; dũng cảm bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng và tài sản của công dân trước tội phạm hoặc dũng cảm xung phong vào những nơi nguy hiểm do dịch bệnh gây ra nhằm bảo vệ tính mạng của nhân dân; thành tích đạt được có tác dụng động viên, giáo dục, nêu gương sáng trong phạm vi tỉnh, thành phố, khu vực trở lên.

- Đã hy sinh anh dũng trong khi cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, của nhân dân, được nhân dân kính phục, nêu gương, học tập.

Đối chiếu với quy định và tiêu chuẩn nêu trên thì nam sinh Nguyễn Văn Nhã đã có hành động dũng cảm cứu được ba nữ sinh, do kiệt sức nên đã bị sóng cuốn đi và thiệt mạng.

Luật sư cho rằng, đây là hành động dũng cảm hiếm có và đã cứu sống được 3 mạng người. Hành động khiến rất nhiều người cảm kích, mến mộ và thương xót cho em sinh viên này.

Tặng huân chương cho em sinh viên này là một hoạt động tri ân theo quy định của pháp luật, đồng thời sẽ khơi gợi tình yêu thương, sự tử tế trong mỗi con người, là một tấm gương khiến rất nhiều người; Đặc biệt là thế hệ trẻ học tập, noi gương để gìn giữ những chuẩn mực đạo đức xã hội, nâng cao trách nhiệm của công dân trước cộng đồng.

Ngoài ra, Điều 17 Nghị định 31/2013/NĐ-CP Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của pháp lệnh về người có công với cách mạng cũng quy định người hy sinh thuộc một trong các trường hợp sau được xem xét xác nhận là liệt sĩ:

Trong đó có trường hợp, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;...

Tại khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng quy định về liệt sĩ như sau:

Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng “Tổ quốc ghi công” thuộc một trong các trường hợp sau đây:

...

e) Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;

Như vậy, đối chiếu với điều kiện, tiêu chuẩn nêu trên thì hành động dũng cảm cứu người của nam sinh xứng đáng để được công nhận là liệt sĩ phải để thân nhân gia đình em được hưởng các chế độ của người có công với cách mạng.

Việc khen thưởng, công nhận, động viên các tấm gương như em Nhã là rất cần thiết, chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức cũng sẽ có trách nhiệm động viên, giúp đỡ gia đình em vượt qua thời khắc khó khăn này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn