MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công nhân mất việc mong mỏi chính sách hỗ trợ để con được đến trường

PHƯƠNG ANH LDO | 01/06/2023 18:49

Nhiều lao động bị buộc nghỉ việc do doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải tiến hành cắt giảm nhân sự. Chật vật kiếm cơm từng ngày, người lao động cần có sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Giữa những ngày nắng như đổ lửa, căn phòng trọ chỉ vỏn vẹn chưa đầy 30 m2 của chị Nguyễn Thị Nguyệt (36 tuổi, quận Lê Chân, TP Hải Phòng) càng thêm chật chội và ngột ngạt.

Đã gần 2 tháng nay, chị rơi vào cảnh thất nghiệp vì công ty thiếu đơn hàng, buộc phải cắt giảm nhân sự với hi vọng mong manh kéo dài thêm thời gian hoạt động.

“Doanh nghiệp về da giày mà tôi vừa nghỉ bắt đầu giảm số lượng các đơn đặt hàng từ gần cuối năm 2022. Lúc đầu chỉ là giảm giờ làm, giảm ca làm rồi dần dần chuyển sang cắt giảm nhân sự. Có một điều bất cập đó là cho đến giờ, công ty cũ vẫn chưa được chốt sổ bảo hiểm cho tôi” - chị Nguyệt nói. 

Chị Nguyệt chia sẻ, quyết định buộc nghỉ việc khiến chị có thêm nhiều trăn trở. Chị không biết tương lai gia đình nhỏ của mình sẽ đi về đâu, nhất là khi con gái của chị mới chỉ đang học tiểu học. 

Chồng chị Nguyệt làm công nhân xây dựng nhưng sức khỏe yếu vì di chứng sau tai nạn giao thông. Cứ hôm nào trái gió trở trời, chân đau là chồng chị phải nghỉ. 

“Lúc trước, tôi là kinh tế chính trong gia đình. Bây giờ không tìm được việc làm, người ta thuê gì làm đó nên thu nhập vô cùng bấp bênh” - chị Nguyệt bộc bạch. 

 Cuộc sống của người lao động gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp cắt giảm lao động. Ảnh: Khánh Linh

Nhắc đến con gái, chị Nguyệt lại rơm rớm nước mắt. Chị Nguyệt băn khoăn, đến bữa ăn còn phải tính toán từng ngày như này, không biết hai vợ chồng chị có thể lo cho con gái bằng cách nào. 

Theo thống kê, cả nước hiện có 2,7 triệu lao động đang bị doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm xã hội từ 1 tháng trở lên. Trong đó, hơn 200.000 người bị treo quyền lợi do doanh nghiệp bị phá sản, giải thể hay chủ bỏ trốn.

Trong khi hàng trăm nghìn lao động này mỗi tháng đều bị trừ lương để đóng vào quỹ bảo hiểm nhưng không được đảm bảo đầy đủ quyền lợi bởi các doanh nghiệp chưa thực hiện nghĩa vụ đóng theo quy định.

Thời gian gần đây, số lượng người lao động thất nghiệp do thiếu đơn hàng tăng nhanh. Họ có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp nhưng không được hưởng do không chốt được sổ bảo hiểm.

Luôn đứng về phía người lao động

Trao đổi về vấn đề người lao động trong kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân kiến nghị, Chính phủ cần có chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các đơn vị liên quan xử lý các doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm xã hội. 

Việc này giúp đảm bảo chính đáng cho người lao động, có chính sách hỗ trợ cho những trường hợp người lao động bị ảnh hưởng do lỗi từ các doanh nghiệp này gây ra.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương. Ảnh: Phạm Thắng/QH 

Cũng theo đại biểu Bảo Trân, qua dự báo của các chuyên gia, tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm sẽ còn rất khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục thiếu đơn hàng, người lao động tiếp tục khó khăn trong chi tiêu, có chi phí cho con đến trường trong năm học mới.

Do đó, đại biểu đề xuất cần xem xét có thêm những chương trình hỗ trợ miễn học phí hoặc miễn phí tham gia bảo hiểm y tế đối với học sinh ở các cấp học trong năm học 2023-2024 này là con của công nhân lao động khó khăn, mất việc làm.

Đại biểu cho rằng, đây là hỗ trợ thiết thực cho người lao động hiện nay vì tình hình khó khăn sẽ còn tiếp diễn trong thời gian dài. Do đó, việc bỏ học của con công nhân sẽ là không tránh khỏi trong thời gian tới.

“Tôi nghĩ chúng ta phải sớm nhìn thấy điều này để có đánh giá xác đáng và quan tâm đúng mức. Do đó, vì sự phát triển ổn định của doanh nghiệp, vì cuộc sống người lao động và vì tương lai của con em chúng ta, tôi trân trọng gửi đề xuất này đến Quốc hội và Chính phủ xem xét” - đại biểu Bảo Trân nói. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn