MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân không có việc làm về quê, bỏ trống nhiều phòng trọ. Ảnh: Đình Trọng

Công nhân mất việc về quê: DN giữ liên hệ, gọi trở lại khi có đơn hàng

ĐÌNH TRỌNG LDO | 26/08/2022 14:46

Bình Dương - Thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ở Bình Dương gặp khó khăn buộc phải cắt giảm lao động. Công nhân mất việc thời gian dài, không đủ chi phí sinh hoạt buộc phải về quê.

Doanh nghiệp khó khăn buộc phải giờ làm, giảm lao động

Theo ghi nhận, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đang gặp khó khăn, nhất là nhóm doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ. 

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh doanh nghiệp gỗ đang chịu ảnh hưởng của thị trường thế giới. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. 

Trong khi đó, đại diện Liên đoàn Doanh nghiệp tỉnh Bình Dương cho biết, hiện hoạt động thương mại giữa doanh nghiệp Bình Dương với thị trường Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc đang gặp khó khăn. Nhiều nhà máy đang hoạt động chỉ từ 30-50%, một số nhà máy của doanh nghiệp ngành gỗ có thể phải cho công nhân nghỉ việc. 

Thực tế, từ đầu tháng 6.2022, một số công ty gỗ bắt đầu phải thu hẹp sản xuất, giảm giờ làm, tạm ngưng hợp đồng lao động. Công nhân không có việc làm, ở nhà trọ thời gian dài không còn tiền chi tiêu buộc phải về quê.

Công nhân không có việc làm đành phải về quê, nhiều dãy phòng trọ ở Bình Dương bỏ trống. Ảnh: Đình Trọng

Một công ty sản xuất đồ gỗ ở Khu công nghiệp Nam Tân Uyên mở rộng cho biết, dù đã có kế hoạch sản xuất cho cả năm, nhưng đầu tháng 6.2022  doanh nghiệp cũng gặp những khó khăn trong xuất khẩu hàng hóa buộc phải giảm lao động. Công ty có khoảng 250 công nhân thì phải cho 150 người nghỉ việc.

Tại thành phố Dĩ An, Công ty gỗ H.T cho biết, sau Tết 2 nhà máy hoạt động với khoảng 2.000 lao động. Tuy nhiên từ tháng 6.2022, công ty phải cắt giảm giờ làm, cho nghỉ luân phiên. "Khoảng 25% lao động buộc phải tạm thời nghỉ việc" - Giám đốc nhân sự công ty gỗ này cho biết.

This browser does not support the video element.

Công nhân thất nghiệp cố bám trụ lại ở nhà trọ. Video: Đình Trọng - Lâm Anh

Giữ mối liên hệ, gọi công nhân trở lại khi có đơn hàng

Ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương - cho biết, thiếu đơn hàng là tình hình chung của nhiều doanh nghiệp. Công ty gỗ của ông Nguyễn Liêm hiện cũng chỉ hoạt động 40-50% công suất. Về việc giữ chân lao động, theo ông Nguyễn Liêm, các doanh nghiệp đều cố gắng hết sức có thể. “Doanh nghiệp nào giữ được thì cố gắng giữ hết sức, doanh nghiệp nào giữ không nổi thì buộc phải giảm. Tài chính doanh nghiệp thì có chừng mực” - ông Nguyễn Liêm cho hay.

Nhiều công ty gỗ buộc phải giảm giờ làm, giảm lao động. Ảnh: H.T

Ông Dương Quang Hiệp - Giám đốc Nhân sự Công ty TNHH MTV Gỗ Hoàng Thông (Bình Dương) cho biết, do khó khăn chung công ty đang hoạt động khoảng 50% công suất. Công ty phải giảm giờ làm việc của công nhân. Công ty không ép công nhân nghỉ chỉ giảm giờ làm để giữ nhân lực. Tuy nhiên người lao động tự xin nghỉ về quê, rồi xin nghỉ giải quyết việc riêng. Thực tế số lao động đã giảm 25% so với trước đây. 

Trong khi đó, công ty sản xuất đồ gỗ khác tại thị xã Tân Uyên (có 150 lao động nghỉ việc) cho biết, vẫn giữ liên hệ với những lao động đã về quê. Dự kiến tháng 9.2022 tới các đơn hàng sẽ có, công ty sẽ gọi công nhân trở lại làm việc.

Lao động thất nghiệp cố bám trụ lại Bình Dương, chờ công ty có đơn hàng sản xuất trở lại để đi làm. Ảnh: Đình Trọng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn