MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân mong gạo cùng các nhu yếu phẩm khác sẽ giảm theo giá lúa. Ảnh: Mỹ Ly

Công nhân mong hết cảnh “bó rau ăn 2 ngày” khi hay tin giá lúa bắt đầu giảm

MỸ LY LDO | 20/09/2023 16:30

Những ngày gần đây, giá một số loại lúa có xu hướng giảm nhẹ. Trong khi nông dân lo lắng cho vụ mùa mới thì công nhân, người lao động lại khấp khởi hy vọng giá lúa giảm sẽ kéo giá gạo giảm theo để đỡ phần nào gánh nặng kinh tế.

Mong hết cảnh “bó rau ăn 2 ngày”

Từng phải một bó rau ăn 2 ngày, anh Phạm Nhật Duy - công nhân tại Khu Công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - vui mừng khi nghe tin giá lúa bắt đầu giảm bởi mấy tháng nay, trong khi thu nhập mỗi ngày vẫn thế mà tiền ăn uống, sinh hoạt của gia đình cứ đội lên khiến anh cảm thấy áp lực.

Để tiết kiệm tiền xăng, tôi đi chợ một lần cho nhiều ngày. Chưa hết, bữa ăn cũng giảm món lại. Thay vì một bó rau ăn 1 ngày thì nay rau lên giá, nhà tôi chia ra ăn cho 1 ngày rưỡi, thậm chí 2 ngày.

Tôi cũng cho bé ở nhà chuyển từ tã quần sang tã dán để nhẹ chi phí hơn. Riêng tiền sữa thì không thể giảm vì tôi muốn con được khỏe mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Nay giá lúa giảm thì chắc sớm muộn gạo và các nhu yếu phẩm khác cũng có thể giảm theo, gia đình tôi cũng đỡ chật vật hơn”, anh Duy tâm sự.

Tương tự, bà Phạm Thúy Hằng - công nhân tại Khu Công nghiệp Trà Nóc (TP Cần Thơ) - cũng mong giá gạo cùng các nhu yếu phẩm khác có thể giảm theo giá lúa để đỡ được phần nào gánh nặng kinh tế.

“Những tháng gần đây, hết gạo tăng, xăng tăng đến rau, củ, thịt, cá… cũng tăng từ vài nghìn đến cả chục nghìn đồng. Với đồng lương công nhân, để trang trải đủ cuộc sống, nhà tôi phải cố gắng gói ghém nhất có thể. Khi chi tiêu bất cứ khoản nào tôi cũng phải cân nhắc kỹ lưỡng, chỉ dám mua sắm những thứ thật cần thiết. Giờ tôi chỉ mong giá gạo cùng các nhu yếu phẩm khác sớm ổn định lại, có thể không nhiều nhưng đỡ được đồng nào vẫn hay đồng ấy”, bà Hằng cho biết.

Nông dân lo kém lãi

Những ngày gần đây, giá một số loại lúa như IR 50404, OM 5451, OM 18... đã giảm nhẹ khoảng 100 - 250 đồng/kg. Tại nhiều nơi, lúa tươi OM 380 và IR 50404 được thương lái thu mua ở mức 7.000 - 7.700 đồng/kg. Các loại lúa tươi OM 5451, OM 18, Đài Thơm 8, lúa Nhật và RVT ở mức 7.500 - 8.200 đồng/kg. Còn lúa Nàng Hoa 9 dao động từ 8.200 - 8.400 đồng/kg. Tuy chưa biến động nhiều và vẫn ở mức cao, song, nhiều nông dân vẫn lo vụ tới kém lãi khi lúa đang giảm mà giá vật tư vẫn tăng.

Chưa sạ vụ mới mà giá lúa đã có xu hướng giảm, ông Võ Văn Tiều - nông dân trồng lúa ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp - không khỏi sốt ruột: “Vụ trước, lúa tươi nhà tôi bán được 7.400 đồng/kg nhưng lãi không nhiều do chi phí vật tư nông nghiệp, thu hoạch… đều ở mức cao cộng thêm năng suất thấp. Nếu vụ tới, giá phân vẫn duy trì ở mức cao mà giá lúa giảm còn dưới 6.800 đồng/kg thì tôi đành lấy công làm lời”.

Giá lúa giảm nhưng giá phân bón vẫn ở mức cao khiến nông dân sốt ruột. Ảnh: Mỹ Ly

Dự định đầu tháng 10 sẽ xuống giống vụ mới để vừa trúng mùa vừa được giá, bà Hồ Thị Nhiên - nông dân trồng lúa ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ - cũng lo lắng khi giá lúa đang giảm nhẹ.

“Sau khi thu hoạch xong, nhà tôi sẽ cho ruộng nghỉ tầm 1 tháng đến 1 tháng rưỡi rồi đến tháng 10 mới bắt đầu sạ cho vụ mới. Nếu sạ như vậy thì ra Tết, nhà tôi sẽ có lúa thu hoạch. Vụ Tết này nhà tôi thường trồng giống ST25 vì được giá vừa cho năng suất cao.

Tuy nhiên, mấy hôm nay, trong khi giá phân tăng từ 20.000 – 30.000 đồng/bao (50 kg) thì giá lúa lại giảm. Vụ trước, nhà tôi trung bình sử dụng khoảng 50 – 60 kg phân/công (1.000 m2) với chi phí khoảng 1,3 triệu đồng. Nếu cứ tiếp tục đà này, tôi lo lãi vụ tới sẽ kém đi, bởi bên cạnh phân, thuốc, với 35 công ruộng, nhà tôi phải tốn thêm tiền thuê nhân công, máy móc,…”, bà Nhiên chia sẻ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn