MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đối với người lao động, sinh viên giá thức ăn hàng quán bên ngoài tăng sẽ ảnh hưởng đến chi phí sinh hoạt. Ảnh: Bích Ngọc

Công nhân, sinh viên chật vật vì quán cơm bình dân tăng giá

VÂN HI LDO | 09/08/2023 08:16

Giá lúa gạo tăng kéo theo các loại vật liệu khác đều tăng. Trước sức ép này, các quán ăn bình dân cũng bắt đầu tăng giá từ 2.000 - 5.000 đồng/phần. Mức tăng dường như không cao này cũng khiến công nhân thu nhập thấp, sinh viên chật vật hơn.

Như thường lệ, sau giờ tăng ca muộn, vợ chồng chị Mai Hương (công nhân may mặc tại tỉnh Hậu Giang) lại ghé quán cơm tấm đêm ăn lót dạ trước khi về nhà. Vẫn dĩa cơm sườn bì như mọi khi nhưng chị phải trả thêm 3.000 đồng cho mỗi phần ăn vì chủ quán đã tăng giá từ ngày 7.8.

Theo chị Hương, bình thường 1 phần cơm có giá 22.000 đồng thì nay chị giật mình khi chủ quán báo đã tăng lên 25.000 đồng. Tăng thêm 3.000 đồng/phần không phải là số tiền lớn nhưng nếu cộng dồn thì cuối tháng chị lại tiêu mất rất nhiều tiền.

"Ăn bao lâu nay là khách quen của quán, nghe chủ quán tăng giá tôi cũng thấy giận nhưng nghĩ lại vật giá leo thang, cái gì cũng tăng thì chủ quán họ cũng không thể bán cho mình với giá rẻ như trước được" - chị Hương nói.

Theo nữ công nhân này, thu nhập mỗi tháng của chị khoảng 7 triệu đồng, và số tiền này không phải là số tiền lí tưởng để vợ chồng chị ăn hàng quán ở ngoài nhiều, nhất là trong thời buổi vật giá leo thang.

"Trước nay, ăn uống bên ngoài tôi cũng rất cân nhắc vì tiền lương mỗi tháng chỉ vừa đủ lo tiền điện nước, tiền sinh hoạt gia đình và tiền học cho con. Quán ăn hiện cũng tăng giá, nên tôi càng cân nhắc hơn, hôm nào kẹt quá thì ghé ăn nếu không thì tối về nấu mì gói ăn cho tiết kiệm" - chị Hương cho biết.

Chọn cách ăn ở hàng quán để tiết kiệm thời gian, nhưng chủ quán vừa báo giá mỗi phần cơm tăng thêm 4.000 đồng và giờ sinh viên năm cuối ngành Thú Y (TP Cần Thơ) Nguyễn Lam Trường đã phải chọn cách ăn mì gói thay cho 1 bữa cơm.

"2 ngày trước tôi ghé mua với giá 25.000 đồng/phần, nay đã tăng lên 29.000 đồng. Sinh viên thì làm gì có tiền mà ăn với mức giá cao như thế, nên tôi nấu mì gói ăn thay cho 1 bữa cơm, đỡ đồng nào hay đồng đó" - Trường nói.

Theo chàng sinh viên này, mặc dù ăn ở ngoài giá cao nhưng vẫn không muốn nấu ăn do không tiết kiệm được bao nhiêu chi phí vì giá cả các nguyên vật liệu đều đang tăng lên từng ngày.

Chị Thanh Thúy chủ quán cơm tại đường Nguyễn Văn Cừ (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), cho biết: Hiện nay, các mặt hàng từ gạo, thịt, trứng, rau cải đến xăng dầu, giá gas đều tăng từ vài nghìn đến vài chục nghìn. Mới hôm trước, mua gạo với giá 14.000 đồng/kg thì nay đã lên 16.000 đồng/kg.

Vật giá leo thang, một số quán cơm hoạt động cầm chừng, vẫn còn bán với mức giá bình dân cho công nhân, sinh viên vì sợ mất khách. Ảnh: Bích Ngọc

Chị Thúy cho biết: "Quán tôi trước nay đều bán với giá rẻ cho công nhân, sinh viên. Giờ giá gạo tăng kéo theo các loại vật liệu khác cũng tăng, nếu tôi vẫn bán với giá cũ thì sẽ lỗ, còn tăng giá thì mất khách nên rất khó cho những người kinh doanh như tôi".

Được biết, một số quán cơm khác đã bắt đầu rục rịch tăng giá nhưng quán cơm của chị Thúy hiện vẫn bán với giá cũ - "Tôi vẫn giữ bán với giá từ 20.000 - 35.000 đồng/phần, tùy nhu cầu của khách. Hiện, tôi chưa muốn tăng giá vì sợ mất khách, và giữ giá cũ bán vì vẫn còn lời được một ít nhưng nếu các loại hàng hóa tăng thêm thì tôi cũng buộc lòng phải tăng giá cơm lên" - chị Thúy cho biết.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn