MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đeo khẩu trang nơi công cộng là một trong những biện pháp phòng dịch COVID-19 được công nhân ưu tiên hàng đầu. Ảnh: Minh Phương

Công nhân tăng cường phòng chống dịch

Lương Hạnh - Phương Minh LDO | 15/04/2023 09:15

Những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 mới trên cả nước gia tăng trở lại. Lo lắng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập, nhiều công nhân đã nâng cao ý thức phòng chống dịch bằng nhiều cách.

Sợ mắc COVID-19 thêm một lần nữa

Làm công nhân tại Khu công nghiệp Thăng Long gần 4 năm, mỗi lần ốm đau, chị Nguyễn Thị Hường (SN 1992, quê Mỹ Đức, Hà Nội) chỉ ra Trạm y tế xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) để khám, mua thuốc về uống. Tháng 10.2022, chị Hường phát hiện bị nhiễm virus SARS-CoV-2, cùng thời điểm đó, trong dãy trọ cũng có một số công nhân khác cùng mắc COVID-19. Hơn 15 ngày ở trong phòng trọ, chị phải nhờ chủ trọ mua giúp đồ ăn mỗi ngày.

Phòng trọ không có tủ lạnh, việc ăn uống càng trở nên khó khăn. “Nghĩ lại khoảng thời gian đó, tôi vẫn thấy ám ảnh. Bố mẹ tôi già cả, vợ chồng anh trai ở xa, tôi không muốn gọi về để phiền nên chủ yếu nhờ hàng xóm, đồng nghiệp ở đây giúp đỡ” - chị Hường chia sẻ. Năm vừa qua, chị Hường bị giảm việc, chỉ làm trong giờ hành chính. Thu nhập chỉ dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng.

Vì nhiều thời gian rảnh rỗi khiến chị cũng xót ruột. Gia đình hoàn cảnh khá khó khăn, cả nhà đều trông chờ vào đồng lương của chị. Chị Hường cho hay bố mẹ chị ở quê chỉ làm nông nghiệp. Là con gái trong nhà, chị luôn cố gắng làm việc có để thu nhập tốt, gửi về hỗ trợ cho bố mẹ được đồng nào hay đồng đó.

Sinh sống và làm việc tại khu công nghiệp, chị Hường càng lo ngại dịch bệnh quay trở lại nơi đây.

“Người thoải mái về điều kiện kinh tế sẽ không quá lo lắng khi ốm đau. Còn đối với công nhân chúng tôi, ráo mồ hôi là hết tiền. Vì vậy, tôi rất lo ngại nếu mắc COVID-19 một lần nữa” - chị Hường chia sẻ.

Nâng cao biện pháp phòng dịch COVID-19

Khi số ca mắc COVID-19 tăng nhanh trở lại, chị Hường tăng cường phòng dịch để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh. Nữ công nhân cho biết đã mua sẵn 2 hộp khẩu trang, 4 lọ rửa tay sát khuẩn vừa mang đi làm, vừa để ở nơi trọ. “Tăng cường sức đề kháng vào thời điểm này là rất cần thiết, thời tiết nồm ẩm dễ là nơi phát triển của vi khuẩn, virus. Do vậy, tôi đã bổ sung vitamin C, ăn nhiều thực phẩm chất xơ, hoa quả nhằm tăng cường sức đề kháng” - chị Hường nói.

Còn theo anh Hà Hữu Thắng - công nhân thuộc công ty về thiết bị điện tử ở Khu công nghiệp Quang Minh (Mê Linh, Hà Nội), nghe thông tin về số ca mắc COVID-19 tăng cao, anh không lo lắng nhiều, thay vào đó là nâng cao chăm sóc sức khoẻ bản thân. Theo anh, ăn uống đầy đủ, dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày sẽ giúp cơ thể khoẻ mạnh hơn.

Dù số ca mắc COVID-19 tăng hay giảm, anh Thắng vẫn giữ thói quen đeo khẩu trang khi ra ngoài. Theo anh, ở công ty, trừ những lúc ăn cơm, công nhân vẫn phải thực hiện đeo khẩu trang 24/24, bình sát khuẩn cũng được đặt ở phòng thay đồ.

“Phòng trọ công nhân là nơi rất dễ lây lan dịch bệnh bởi mọi người sinh hoạt chung, tiếp xúc với nhiều người. Vì vậy, trong thời gian này, tôi luôn dặn dò vợ và các con hạn chế nói chuyện với người khác, luôn đeo khẩu trang khi ra khỏi phòng. Gia đình tôi từng mắc COVID-19 nên hiểu được sự khủng khiếp của nó, không chỉ ảnh hưởng tới sức khoẻ mà còn tác động tới công việc, tiền bạc. Chúng ta không nên chủ quan” - anh Thắng nói.

Các chuyên gia nhận định thời tiết giao mùa tại miền Bắc là điều kiện thuận lợi cho các loại virus phát triển, trong đó có virus SARS-CoV-2. Hiện tiêm vaccine COVID-19 vẫn là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, giảm thiểu bệnh nhân chuyển nặng và nhập viện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn