MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công phu “khám-chữa bệnh” cho 233 cây Xích Tùng cổ Yên Tử

Nguyễn Hùng LDO | 26/01/2020 11:21

Các nhà khoa học, các chuyên gia lâm nghiệp đã bắt đầu “khám và chữa bệnh” rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử được hơn một tháng, với hy vọng có thể kéo dài tuổi thọ của 233 cây Xích Tùng cổ còn lại trên non thiêng.

Theo ông Lê Tiến Dũng – Trưởng Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử - phác đồ điều trị đã được các nhà khoa học, nhà lâm nghiệp…nghiên cứu rất tỉ mỉ từ trước, nhưng do chưa triển khai ngay được bởi không có vốn, nên hiện bệnh tật của các “cụ” đã khác trước. Vì thế, trên cơ sở phác đồ cũ, các chuyên gia có thể sẽ phải bổ sung các phương án cho phù hợp với từng “cụ”.

Phun thuốc diệt trừ sâu bệnh, nấm mốc. Ảnh: Nguyễn Hùng

Rừng Xích Tùng cổ 700 tuổi trên Yên Tử chết dần chết mòn từ lâu do tuổi cao, lại bị sâu bệnh, thời tiết tấn công. Chỉ trong vòng vài năm gần đây, đã có khoảng 20 cây chết; hàng trăm cây còn lại đều bị “bệnh” nặng, như: Mục rỗng thân, gốc, cụt ngọn…

Hiện, trên Yên Tử chỉ còn 233 cây Xích Tùng cổ quý hiếm do người xưa trồng, đều đang lâm bệnh rất nặng.

Theo ông Dương Tiến Đức – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới – trước mắt, sẽ xử lý các phần gốc, thân, cành bị mục ruỗng và xông thuốc đặc chủng để ngăn chặn sâu bọ, nước mưa tấn công. Nhiều cây vừa bị rỗng ruột vừa bị sâu bọ tấn công thân bên ngoài nên không thể dẫn chất dinh dưỡng lên trên để nuôi thân, cành. Vì thế, ngoài việc xử lý các vị trí bị tổn thương, sẽ phải truyền chất dinh dưỡng vào trong thân cây.

Với khu vực Đường Tùng – con đường hành hương rợp bóng Xích Tùng cổ – sau lễ hội Yên Tử, sẽ tạm “đóng cửa” con đường này, khách lên Yên Tử đi bằng con đường bên cạnh, để triển khai các biện pháp chăm sóc bộ rễ trồi lên mặt đất của các “cụ” Xích Tùng.

Các chuyên gia thảo luận phương án chữa bệnh ngay tại hiện trường. Ảnh: Nguyễn Hùng

Theo tính toán, chỉ riêng việc xử lý các vị trí bị mục ruỗng và chăm sóc để sức khỏe các “cụ” tốt lên” cũng phải mất khoảng 3 năm.

“Các cụ bị bệnh nặng, nhưng lá vẫn xanh, vẫn ra hoa. Nếu xử lý tốt, rừng Xích Tùng cổ có thể sống thêm cả trăm năm nữa” – ông Đức cho biết.

 Dịp Lễ hội Xuân năm nay, Đường Tùng sẽ tạm “đóng cửa” để bảo vệ những bộ rễ Xích Tùng trồi trên mặt đất. Du khách sẽ đi bằng đường bên cạnh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Ông Lê Huy Cường – Hội bảo vệ Thiên nhiên và môi trường Việt Nam – cho rằng, nếu không “cứu” được các “cụ” thì thật đáng tiếc bởi rừng Xích Tùng cổ là những nhân chứng sống và là một trong rất ít các “di tích” gốc còn sót lại từ thời nhà Trần trên Yên Tử.

Những nghiên cứu của giới chuyên môn cho thấy, rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử là do các bậc tiền nhân trồng, bởi các cây hiện nay đều phân bố theo hàng, lối trên con đường hành hương lên đỉnh thiêng Yên Tử.

Yên Tử sẵn sàng cho lễ hội Xuân 2020

Lễ hội Xuân Yên Tử - một trong những lễ hội Xuân kéo dài nhất cả nước (3 tháng) – như thường lệ khai hội vào ngày mồng 10 Tết Nguyên đán. Đây cũng là một trong những khu di tích an toàn, an ninh trật tự và vệ sinh tốt nhất. Ban tổ chức đã cho chỉnh trang, bổ sung toàn bộ hệ thống loa, đèn chiếu sáng, biển chỉ dẫn.

Đoạn đường gần chùa Đồng vừa dốc, vừa trơn trượt và một bên là vực thẳm. Ảnh: Nguyễn Hùng

Hệ thống lan can an toàn tại khu vực chùa Bảo Sái, Vân Tiêu, chùa Đồng đã được gia cố, chỉnh trang, sơn mới nhằm đảm bảo an toàn cho du khách. Riêng tại khu vực An Kỳ Sinh, chùa Đồng do địa hình cao, hiểm trở, để tránh ùn tắc, đảm bảo an toàn cho du khách, Ban tổ chức đã có phương án phân luồng, thống nhất hướng đi một chiều lên và xuống.

Tại điểm kết nối với đường sang Tây Yên Tử, Bắc Giang, Ban tổ chức sẽ tăng cường lực lượng để đảm bảo an ninh trật tự, phân luồng giao thông, hỗ trợ du khách trong quá trình hành hương. Vào dịp khai lễ, ước tính, mỗi ngày Yên Tử có thể đón cả vạn khách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn