MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công tử Bạc Liêu và cuộc "đấu xảo sắc đẹp” nổi tiếng Nam kỳ

NHẬT HỒ LDO | 09/06/2019 07:39
Tỉnh Bạc Liêu dự định tổ chức cuộc thi người đẹp nhân 100 năm ngôi nhà Công tử Bạc Liêu. Sự kiện này khiến nhiều người nhớ lại chuyện “đấu xảo sắc đẹp” của vị công tử nức tiếng ăn chơi một thời...

Bạc Liêu chính thức khởi động cuộc thi Người đẹp Bạc Liêu 2019 với mục tiêu hoài niệm về cuộc “đấu xảo sắc đẹp” xưa.

Người có ý tưởng tổ chức "đấu xảo sắc đẹp" không ai khác là ông Trần Trinh Huy, hay còn gọi là cậu Ba Huy, Công tử Bạc Liêu.

Sau khi được ông hội đồng Trần Trinh Trạch cho đi học ở Pháp về, Ba Huy trông coi điền sản và công việc kinh doanh của dòng họ Trần Trinh.

Ông Trần Trinh Đức (áo màu) - con trai Công tử Bạc Liêu và ông Phan Kim Khánh - cháu gọi Công tử Bạc Liêu bằng cậu kể lại câu chuyện của gia đình mình. Ảnh Nhật Hồ.

Do có kiến thức Tây học và ảnh hưởng của nền văn minh Pháp, cộng với việc ăn chơi, thương mại của trời Tây, vào những năm 1936 hoặc 1937, Ba Huy tổ chức hội chợ xuân tại điền Bàu Xàng (nay là Bào Sàng, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu ngày nay).

Nhà Công tử Bạc Liêu xây dựng 1919, đến nay đã gần 100 năm tại Phường 3, Thành phố Bạc Liêu. Ảnh Nhật Hồ.

Thời điểm này ở Bàu Xàng, ông hội đồng Trạch có đến 3.600 công ruộng (tương đương 300ha ngày nay) cho tá điền thuê mỗi năm 1,5 giạ lúa trên một công. Từ thời hội đồng Trạch, ông đã cho xây dựng một biệt thự kiểu Pháp ở giữa điền Bàu Xàng để nghỉ mát mỗi khi về đây thu thuế.

Các thí sinh trong cuộc thi Hoa hậu năm 2014 vòng loại khu vức phía Nam được tổ chức tại Bạc Liêu bên cạnh Nhà Công tử Bạc Liêu. Ảnh Nhật Hồ.

Ông Trần Trinh Trạch áp dụng chính sách thu nhiều hưởng nhiều, thu ít hưởng ít với Trần Trinh Huy. Nhưng với công tử Bạc Liêu thì thu ít thu nhiều chẳng ảnh hưởng gì, vì thu được bao nhiêu cậu Ba Huy đều đổ hết vào những cuộc ăn chơi chứ không hề nộp vào nhà lớn của ông Trạch đồng nào. Khi ông hội đồng Trạch hỏi đến thì Ba Huy bảo đã dùng vào việc mua thêm ruộng đất, phát triển điền sản cho gia tộc.

Tượng bán thân ông bà Hội đồng Trần Trinh Trạch, thân sinh Công Tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy.

Theo lời kể của các cụ cao tuổi ở đây và một số tài liệu còn lưu trữ, khoảng những năm 1936 - 1937, Công tử Bạc Liêu quyết định tổ chức những buổi lễ để đời. Một trong những cái lễ ông chọn là lễ Kỳ Yên (diễn ra vào tháng Giêng mỗi năm).

Để có nơi tổ chức lễ Kỳ Yên, Ba Huy cho lấp ao sen lớn của làng Bàu Xàng rộng đến mấy chục ngàn mét vuông. Sau đó, ông cho xây dựng 5 dãy phố cho thuê bán hàng xén nhằm che mắt ông hội đồng Trạch nhưng thực ra dùng để tổ chức lễ hội vào mỗi dịp tết hằng năm. Cũng năm này, Ba Huy cho tổ chức cuộc thi gọi là “đấu xảo sắc đẹp” nhằm quy tụ người đẹp lại để thu hút nhiều người đến xem nhằm phô trương thanh thế.

Khu mộ của gia tộc Trần Trinh hiện ở thị trấn Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ảnh Nhật Hồ.

Ba Huy tổ chức lễ rất long trọng, mời các hương thân phụ lão có tiếng trong vùng đứng ra chủ trì. Bên cạnh lễ là phần hội. Với Ba Huy, đây mới là phần quan trọng nhất để vui chơi, mua sắm và là ngày trai gái làm quen.

Trần Trinh Huy cho mở chợ phiên để mua bán suốt mùa cúng Kỳ Yên kéo dài cả tháng. Trong lễ hội đó, ông rước về 3 gánh hát: Việt, Hoa, Khmer. Tiếng nhạc ngũ âm, tiếng trống chầu, tiếng đàn nhị réo rắt cả một góc trời. Người dân khắp nơi ùn ùn kéo về tham dự.

Chiếc xe (cùng đời) với xe của Công tử Bạc Liêu tuyên truyền cả nước chỉ có 2 chiếc: một của Công tử Bạc Liêu và chiếc kia của... vua Bảo Đại!

Để cố xúy cho tá điền “ăn chơi”, ông cho mỗi hộ mượn 10 giạ lúa, đến mùa phải trả 15 giạ. Số lúa này quy ra tiền, để tá điền chơi lễ, hội. 

Ngôi nhà Công tử Bạc Liêu xây dựng năm 1919 đến nay đã gần 100 năm, đây là ngôi nhà lớn nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ. Người dân gọi là nhà lớn, hay nhà ông lớn. Tương truyền ông Hội đồng Trạch mất 3 năm mới hoàn thành ngôi nhà này. Ảnh Nhật Hồ.

Sản phẩm do Ba Huy độc quyền mua bán. Xong lễ Kỳ Yên, Ba Huy hưởng phần lãi lớn từ mua bán lại thêm phần lúa vay tăng lên nhanh chóng. Cách kiếm tiền này của Ba Huy khiến một số tay tư sản Sài Gòn cũng phải bái phục.

Đón xem kỳ 2: Công tử Bạc Liêu tổ chức “đấu xảo sắc đẹp”: Sau cuộc thi người đẹp đi đâu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn