MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc thu mua trễ khiến cho trữ lượng đường mía giảm, từ đó mà thu nhập của bà con cũng giảm theo. Ảnh: Lê Nguyên

Công ty chậm thu mua, người nông dân trồng mía khốn khổ

Nguyên Lê LDO | 05/03/2024 10:19

Nhiều người dân trên địa bàn thành phố Kon Tum đang ngày đêm bất an trước cảnh mía thì ngày càng khô héo, trong khi Công ty Cổ phần đường Kon Tum thu mua chậm. Điều này khiến trữ lượng đường mía thấp, dẫn đến thu nhập giảm và xảy ra nguy cơ cháy ruộng mía trước thời điểm nắng nóng kéo dài.

Công ty thu mua chậm, người dân mong ngóng từng ngày

Đi dọc các ruộng mía tại các khu vực như xã Vinh Quang, Đoàn Kết, Chư Hreng (TP Kon Tum) không khó để bắt gặp những người dân đang tích cực thu hoạch mía sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Bất chấp cảnh nắng nóng, ai nấy cũng hy vọng sẽ thu được một khoản tiền để có thể trang trải cuộc sống khó khăn.

Ông A Nghik (dân tộc Ba Na) (SN 1969) hiện đang có gần 13 sào mía đồi tại thôn Plei Groi, xã Chư Hreng, TP Kon Tum. Giống với những người dân sở hữu rẫy mía tại đây, nhà ông cũng đang liên kết với Công ty Cổ phần đường Kon Tum.

Ông A Nghik giãi bày: “Cả nhà tôi sống nhờ vào 13 sào mía, nhưng năm nay công ty thu mua trễ làm ảnh hưởng đến sản lượng, trữ đường và thu nhập của cả gia đình”.

Năm nay thu mua trễ, cộng với thời tiết nắng nóng kéo dài, tôi phải trả số tiền lên tới 270.000 - 280.000 đồng/ngày cho mỗi người làm thuê. Khoảng tiền này được tôi thanh toán vào cuối ngày, nhưng với việc công ty vẫn chưa thanh toán số mía đã nhập nên hiện tại tôi đang chịu lỗ đến 2,7 triệu đồng”, ông A Nghik bộc bạch.

Người nông dân phải cạnh tranh với các vùng khác

Cách đó không xa là 2 sào mía của Anh Đỗ Hoàng Ao (SN 1985), cũng đang trong tình trạng chờ công ty đến vận chuyển.

Anh Ao chia sẻ: “Thông thường, quản lý khu vực sẽ phân bổ xe đến từng địa bàn, cách 24 tiếng sẽ có một chuyến. Nhưng năm nay vì nhập mía ngoài vùng, nên phải mất đến 48 tiếng mới có một chuyến xe đến vận chuyển. Tuy nhiên, vì vùng này địa hình xấu nên xe thùng (30 tấn) không thể vào được, chỉ có xe máy cày (10 tấn) nên tiến độ vận chuyển rất lâu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng và sản lượng mía”.

Cùng theo anh Đỗ Hoàng Ao, nguyên nhân khiến cho Công ty Cổ phần đường Kon Tum thu mua chậm là do công ty đang thua mua mía ở các vùng nguyên liệu của tỉnh Gia Lai.

TP Kon Tum là địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất tại tỉnh Kon Tum, với hơn 832ha mía đủ điều kiện cho thu hoạch. Mặc dù vậy, số lượng cây mía khô dần trên các cánh đồng đang ngày càng tăng cao, một phần vì thời tiết nắng nóng kéo dài, một phần vì sự chậm trễ trong việc thua mua của Công ty Cổ phần đường Kon Tum.

Chị Đỗ Phước Hà (SN 1976) ở phường Lê Lợi, TP Kon Tum cho biết thêm: 1ha mía rẫy đồi thông thường thu hoạch giao động tầm 8 tấn, nhưng năm nay thu hoạch muộn nên chỉ còn tầm 5 - 6 tấn. Đối với mía rẫy, việc thu hoạch muộn cũng khiến việc lưu gốc kém, ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất niên vụ tiếp theo.

Chính quyền vào cuộc gỡ khó cho người dân

Theo lịch thời vụ, việc thu hoạch mía thông thường được diễn ra đồng loạt trước Tết Nguyên đán hàng năm, nhất là đối với mía đồi hoàn thành sớm hơn trong dịp Lễ Giáng Sinh. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã vào tháng 3.2024 mà diện tích mía thu hoạch trên địa bàn thành phố vẫn chưa hoàn thành.

Việc thua mua chậm không chỉ ảnh hưởng đến năng suất, trữ lượng đường của cây mía, mà còn tác động đến tiến độ sản xuất niên vụ tiếp theo .

Trước sự lo lắng của người dân, ngày 28.2, UBND tỉnh Kon Tum đã có Văn bản số 691 yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì kiểm tra, xử lý thông tin báo phản ánh về vấn đề chậm thu mua múa của Công ty Cổ phần đường Kon Tum.

Theo đó, UBND Tỉnh Kon Tum yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh làm việc với Công ty Cổ phần đường Kon Tum để có giải pháp, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm quyền lợi, lợi ích của người nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Phía Công ty cũng cam kết sẽ thua mua hết diện tích mía còn lại của người dân trong tháng 3. Công ty cũng hỗ trợ chi phí chặt mía đối với những diện tích được thu hoạch sau Tết Nguyên đán, với mức hỗ trợ là 20.000 đồng/tấn mía nguyên liệu sạch.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn