MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng đẩy đuổi vàng tặc ở mỏ vàng Apey B do công ty khai thác không hoàn thổ theo quy định. Ảnh: HT

Công ty khai thác vàng rời đi, địa phương và người dân lãnh đủ

HƯNG THƠ LDO | 24/02/2020 13:30
Hết thời hạn được cấp phép khai thác vàng, các công ty lặng lẽ rời đi mà không đóng cửa mỏ theo quy định, thậm chí việc nộp thuế cho Nhà nước cũng trây ỳ. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy mà chính quyền ở tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế cũng như người dân lãnh đủ.

Lấy vàng để lại... hố sâu

Năm 2011 và 2013, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 2362/QĐ-UBND và Quyết định số 732/QĐ-UBND với nội dung cho Cty CP Phát triển khoáng sản 4 thuê 248.652m2 đất tại xã A Bung (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) với thời hạn thuê đất đến ngày 30.6.2018. Trước đó, công ty nói trên được Bộ TNMT cấp phép khai thác, chế biến mỏ vàng tại Apey A (xã A Bung, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) với thời hạn đến tháng 6.2018.

Đến thời điểm này, hết thời hạn được cho thuê đất và giấy phép khai thác vàng gần 2 năm, nhưng mỏ vàng Apey A vẫn còn một mớ hỗn độn. Ở dãy nhà của Cty CP Phát triển khoáng sản 4 xây dựng, cỏ mọc um tùm, không thấy có người túc trực. Còn ở bên ngoài, nhiều xe múc, xe ôtô tải lâu ngày không được sử dụng, bảo dưỡng nên bị hoen rỉ. Ở bãi khai thác vàng, hố rộng khoét sâu xuống núi vài chục mét không được hoàn thổ…

Cách mỏ vàng Apey A không xa, là mỏ vàng Apey B (thuộc xã Hồng Thủy, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế). Trước đây, Apey B được Bộ TNMT cấp phép cho một công ty của Bộ Quốc phòng, sau đó bàn giao lại Cty CP khoáng sản Đông Trường Sơn thăm dò trên diện tích khoảng 4ha. Khoảng năm 2008 bắt đầu thăm dò, sau 3 lần gia hạn, đến năm 2017 thì chấm dứt hoạt động thăm dò. Khi công ty này rời đi, các hố sâu được đào xuyên núi cũng không được hoàn thổ theo đúng quy định.

Nợ thuế và hàng loạt hệ lụy

Ông Bùi Viết Dũng - Chủ tịch UBND xã Hồng Thủy than thở rằng, Cty CP khoáng sản Đông Trường Sơn không hoàn thổ ở mỏ vàng Apey B để lại rất nhiều hệ lụy, khiến chính quyền đau đầu. Do các hố sâu không được trả lấp đi, trả lại nguyên trạng khiến người dân ở các địa phương lén lút vào khai thác vàng trộm. Mà mỗi lần khai thác vàng, nước đãi vàng chảy về khiến hạ lưu sông Đakrông bị ô nhiễm rất nặng, ảnh hưởng đến cả vạn người dân. Dù chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế đã nhiều lần mời Cty CP khoáng sản Đông Trường Sơn đến họp, nhưng công ty này không chấp hành. Bên cạnh đó, giấy tờ liên quan đến việc đền bù công ty không bàn giao cho địa phương, nên hiện rất khó để quản lý.

Còn ông Hồ Văn Pườm - Chủ tịch UBND xã A Bung thì nói rằng, trong lúc người dân thiếu đất, thì diện tích đất rất lớn giao cho Cty CP Phát triển khoáng sản 4 lại bỏ hoang. Đặc biệt, công ty này rời đi mà không chịu hoàn thổ, nên nhiều người muốn vào đó để khai thác trộm vàng, khiến chính quyền phải thường xuyên kiểm tra. “Các buổi tiếp xúc cử tri, có rất nhiều ý kiến về việc thu hồi đất để giao lại cho người dân sản xuất. Chúng tôi cũng chỉ biết tiếp thu rồi kiến nghị lên trên” - ông Pườm, nói.

Theo phòng Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế Cục thuế tỉnh Quảng Trị, đến thời điểm ngày 31.1.2020, Cty CP Phát triển khoáng sản 4 còn nợ hơn 5,6 tỉ đồng tiền thuế, trong đó tiền cấp quyền khai thác khoáng sản gần 3,9 tỉ đồng, tiền chậm nộp hơn 1,7 tỉ đồng. Cục Thuế tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện nhiều biện pháp đôn đốc thu số tiền nói trên, nhưng hiện vẫn chưa có kết quả.

Trao đổi với Lao Động, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị - cho biết, UBND tỉnh Quảng Trị vừa ra quyết định thu hồi diện tích đất đã cho Cty CP Phát triển khoáng sản 4 thuê để giao lại cho địa phương quản lý. Trước thông tin công ty nói trên chưa đóng cửa mỏ và hoàn thổ theo quy định, ông Đồng nói rằng sẽ yêu cầu các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn