MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công ước 159: Tăng cường kết nối cung - cầu lao động

T.K LDO | 17/12/2019 13:00
Tương tự như Công ước số 88, Công ước số 159 về tái thích ứng nghề nghiệp và việc làm cho người khuyết tật có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Công ước này được xem là đòn bẩy tăng cường kết nối cung – cầu lao động. Cũng qua đây, nhóm người yếu thế sẽ được thúc đẩy có cơ hội tiếp cận việc làm một cách bình đẳng. 

Nhiều giá trị ưu việt

Thực tế cho thấy, Công ước số 88 và Công ước số 159 đã có sự tham gia của gần 100 quốc gia trên khắp thế giới. Trong đó, Công ước số 88 có 91 quốc gia là thành viên và Công ước số 159 có 83 quốc gia gia nhập. Ở Việt Nam, hai công ước này thể hiện rõ tính ưu Việt.

Quy luật vận hành chung của thị trường lao động là đều tuân thủ theo các nguyên lý của thị trường. Tuy nhiên, đối với các nước theo thể chế kinh tế thị trường lâu đời, công ước này không mới. Còn đối với các nước xây dựng kinh tế thị trường thì những chuẩn mực, tiêu chuẩn được đưa ra trong công ước thực chất không phải quá mới mẻ.

Công ước thúc đẩy điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống dịch vụ việc làm. Ảnh: Hải Nguyễn.  

Là thành viên mới của hai công ước, Việt Nam đã và đang học hỏi từ những nước đi trước rất nhiều kinh nghiệm.

Theo nhận định của ông Nguyễn Văn Bình – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Cái chúng ta tham khảo và học hỏi được quan trọng nhất từ kinh nghiệm của các nước là hướng dẫn về chuyên môn, kĩ thuật. Rằng một hệ thống dịch vụ việc làm chuyên nghiệp hiện đại đáp ứng yêu cầu cụ thể nào”.

Cung cấp miễn phí dịch vụ việc làm công cho người lao động. Ảnh: Hải Nguyễn.  

Yêu cầu của công ước là phát triển một hệ thống dịch vụ việc làm công, được tổ chức từ trên xuống dưới, từ Trung ương đến địa phương; kết hợp các ngành nghề, các vùng miền các nhóm lao động với nhau. Từ đó hình thành một hệ thống dịch vụ việc làm chuyên nghiệp, hiện đại; có khả năng đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp vào thời điểm khác nhau, lao động khác nhau.

“Nhiều khi chúng ta mong muốn xây dựng hệ thống việc làm hiện đại, chuyên nghiệp, nhưng chúng ta không biết tiêu chí để xây dựng hệ thống việc làm hiện đại, chuyên nghiệp như thế nào? Ở đây, công ước đưa ra những hướng dẫn như vậy để chúng ta biết đâu cái chúng ta đã có cần thực hiện, và đâu là cái thiếu sót cần bổ sung thêm” – ông Nguyễn Văn Bình nói.

Để công ước vững vị thế cầu nối

Hiện nay công tác tuyên truyền về hai công ước tại các địa phương có sự khác nhau về quy mô, địa bàn. Thời gian qua, một số địa phương đã đề xuất xem xét sáp nhập hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm với mục tiêu làm tinh giản bộ máy. Tuy nhiên, các yêu cầu đặt ra với hệ thống dịch vụ việc làm công có những yêu cầu rất đặc thù. Nên việc sáp nhập như thế có thể không phù hợp.

Các địa phương khác nhau cũng có những nhu cầu khác nhau. Có địa phương có nhu cầu cao, có địa phương lại có nhu cầu thấp. Chính vì vậy, để đảm bảo được vai trò là cầu nối cung – cầu lao động, công ước phải được đặt trong tổng thể việc thực hiện các chủ trương khác như tinh giản tổ chức, bộ máy, biên chế… Mỗi địa phương có một cơ chế rà soát riêng, và phù hợp với từng đặc thù.

 

Hiện tại chúng ta đang tồn tại hai hệ thống dịch vụ việc làm là hệ thống dịch vụ việc làm công và hệ thống dịch vụ việc làm tư nhân. Để kết nối, phát huy hiệu quả cao nhất của thị trường lao động, không chỉ là hệ thống công không mà là tất cả các hệ thống đều phải kết nối với nhau. Các quy định của luật pháp có liên quan, phải đảm bảo kết nối giữa hệ thống công và hệ thống tư chúng ta cũng phải quan tâm.

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH) cho hay, “Theo yêu cầu của công ước thì hệ thống dịch vụ việc làm công phải là một hệ thống dịch vụ việc làm cung cấp dịch vụ miễn phí. Ở đây nghĩa là cung cấp miễn phí cho cả đối với người lao động và người sử dụng lao động. Đối với người lao động thì chúng ta miễn phí hoàn toàn, còn đối với người sử dụng lao động thì chúng ta có một cơ chế rất khác, đặc biệt cơ chế thông qua giá dịch vụ công. Vì thế nên chúng ta cần có những rà soát đề đảm bảo nó phù hợp với yêu cầu của công ước”.

Song, chúng ta mới thực hiện được chủ yếu giới thiệu việc làm theo nghĩa rất đơn giản là kết nối giữa cung và cầu theo ý nghĩa là cung sẵn có và cầu sẵn có và chỉ kết nối với nhau. Trong khi đó, yêu cầu của công ước cao hơn. Để đảm bảo cho cung và cầu gặp nhau theo nghĩa rộng của công ước thì phải đánh giá được cầu như thế nào, cung như thế nào. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn