MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Công ước 88: Đòi hỏi hệ thống dịch vụ việc làm công chuyên nghiệp hơn

T.K LDO | 16/12/2019 17:30
Việt Nam đã gia nhập Công ước số 88 của Tổ chức Lao động quốc tế ILO về kết nối cung cầu lao động; giúp người sử dụng lao động tìm kiếm các ứng viên tiềm năng, người lao động, người khuyết tật có cơ hội tìm kiếm việc làm. Bên cạnh thúc đẩy việc phát triển và sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả; Công ước cũng đòi hỏi hệ thống dịch vụ việc làm công của chúng ta hiện nay cần xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hơn.

Điều chỉnh hoàn thiện hệ thống dịch vụ

Một thực tế chung không chỉ riêng gì ở Việt Nam là lâu nay, nỗ lực tạo việc làm cho người khuyết tật đối diện không ít khó khăn. Trong khi đó, hệ thống dịch vụ việc làm của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng được hết yêu cầu về giải quyết việc làm cho nhóm lao động là người khuyết tật.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTBXH), hệ thống dịch vụ cho người lao động khuyết tật đòi hỏi nhiều hơn so với người lao động thông thường. Người lao động khuyết tật cần có những dịch vụ hỗ trợ việc phục hồi chức năng lao động với yêu cầu cao hơn. Có nhiều trường hợp người lao động khuyết tật có sức khỏe tốt nhưng về yêu cầu lao động lại không đảm bảo. Ngược lại có nhiều trường hợp sức khỏe không tốt nhưng về yêu cầu lao động lại không bị ảnh hưởng.

Người lao động khuyết tật đòi hỏi có những dịch vụ hỗ trợ với yêu cầu cao hơn. 

Dù có điểm chung là cơ bản giải quyết vấn đề việc làm, song so với Công ước 88 thì Công ước 159 đặc thù hơn vì hướng tới giải quyết chức năng lao động cho người khuyết tật. Từ đó hỗ trợ đối tượng này ra nhập thị trường lao động. Trở lại, Công ước 88 lại đòi hỏi hệ thống dịch vụ việc làm công của Nhà nước phải được xây dựng theo hướng chuyên nghiệp hơn.

“Một trong những yêu cầu theo hướng chuyên nghiệp là hệ thống dịch vụ việc làm phải được tổ chức theo cách đặt dưới sự điều phối của một cơ quan chung ở cấp Trung ương. Bên cạnh đó, hệ thống này cần được tổ chức theo ngành dọc. Điều này nhằm đảm bảo đây là một hệ thống thống nhất, liên kết và chia sẻ thông tin thị trường lao động ở các thị trường lao động với nhau. Và đây là hệ thống thống nhất, có khả năng liên kết, thống nhất chia sẻ thông tin việc làm ở các ngành nghề khác nhau” – ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.

Mở rộng mạng lưới rộng khắp

Để người lao động và người sử dụng lao động ở các vùng miền tiếp cận được với các dịch vụ việc làm, đòi hỏi hệ thống cũng phải có mạng lưới rộng khắp. Bởi, nếu chỉ có hệ thống ở một số khu phát triển hay thành phố lớn thì khả năng tiếp cận của người lao động và doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ cũng cần được tổ chức theo cách có các bộ phận chuyên môn khác nhau, đáp ứng đa dạng khác nhau giữa các nhóm ngành nghề, nhóm lao động. Đặc biệt là nhóm lao động yếu thế. Công ước 159 giải quyết rất đặc thù các yêu cầu việc làm, nhu cầu phục hồi chức năng lao động của nhóm lao động là người khuyết tật.

Hệ thống dịch vụ việc làm cần được xây dựng chuyên nghiệp hơn.  

Song song với việc mở rộng mạng lưới hệ thống rộng khắp, yêu cầu đặt ra đối với hệ thống cán bộ, nhân viên cũng đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao. Mỗi thông tin phục vụ từng nhóm lao động, từng ngành nghề, từng doanh nghiệp là khác nhau.

Do đó, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH – ông Nguyễn Văn Bình cho rằng, những cán bộ, nhân viên làm việc tại hệ thống dịch vụ việc làm phải là những người được đào tạo bài bản, có kiến thức tốt về thị trường lao động và am hiểu về nhu cầu việc làm, khả năng đáp ứng nhu cầu việc làm của các nhóm ngành nghề, đối tượng lao động khác nhau.

Phân tích trên các khía cạnh từ thực tế đã chỉ rõ, hệ thống dịch vụ việc làm có những yêu cầu rất cụ thể, hệ thống phải ổn định, không chịu sự thay đổi khi có những thay đổi về mặt hành chính, hệ thống tổ chức nhà nước…

Đây cũng chính là những yêu cầu mà Công ước số 88 đưa ra. Đồng thời, Công ước cũng cung cấp những hướng dẫn cụ thể về chuyên môn cho hệ thống dịch vụ việc làm công và doanh nghiệp những tham chiếu để xây dựng và phát triển hệ thống này theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại như yêu cầu đã đưa ra.

Ngoài ra, các trung tâm ở các địa phương cũng cần có các kết nối với hệ thống này để đảm bảo chia sẻ, kết nối thông tin, điều phối thông tin của thị trường lao động rộng khắp trên cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn